“Ông trùm” BOT không ngại Quốc hội giám sát
(Dân trí) - “Phải giám sát mới biết rõ được, chứ giờ cứ nghe người dân nói thế này, người dân nói thế kia. Nói thì chúng ta phải nghe nhưng cũng phải tìm hiểu kỹ, giám sát để xem dân họ nói như thế có đúng hay không?” – đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Tasco nói.
“Dư luận là chuyện của dư luận”
Chia sẻ với báo chí bên hàng lang Quốc hội về việc đưa nội dung quản lý và giám sát việc đầu tư và thu phí BOT vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng (Chủ tịch Công ty Tasco) nói: “Giám sát là rất tốt, mình còn muốn mời các cơ quan vào để giám sát, chứ không phải ngại ngùng”.
Ông Dũng cho rằng, để cho chất lượng đầu tư, sản phẩm của nhà đầu tư cung cấp cho xã hội tốt thì đương nhiên phải có hệ thống giám sát.
“Phải giám sát mới biết rõ được, chứ giờ cứ nghe người dân nói thế này, người dân nói thế kia. Nói thì chúng ta phải nghe nhưng cũng phải tìm hiểu kỹ, giám sát để xem dân họ nói như thế có đúng hay không?” – Chủ tịch Tasco, "ông trùm" trong lĩnh vực BOT - nêu quan điểm.
Trước sự phản ánh mạnh mẽ của dư luận về những bất cập trong thực tiễn thu phí BOT cũng như sự nghi ngờ của các đại biểu Quốc hội khác về sự bất minh khi đầu tư, xây dựng các dự án BOT, ông Phạm Quang Dũng cho rằng, “dư luận là chuyện của dư luận, và con người có quyền bình luận, mình làm đúng thì không sợ gì cả”.
Theo vị đại biểu, trong thời gian triển khai BOT theo đúng nghĩa là đầu tư đường cao tốc, nếu ai có nhu cầu thì đi đường cao tốc mà không có nhu cầu thì đi đường cũ, người dân không có ý kiến gì.
Vấn đề là từ đâu mà phải đầu tư như thế? Gốc rễ là từ ngân sách. Nguồn thu ngân sách hạn hẹp trong khi đường quốc lộ quá xuống cấp nên nếu không đầu tư thì không thể phát triển kinh tế được.
“Ai cũng nhận thức được rằng đường càng to đến đâu thì giàu có, phát triển đến đó. Nhưng giờ ngân sách không có để đầu tư, Nhà nước và Bộ Giao thông kêu gọi tư nhân vào đầu tư, rồi ông Bí thư, Chủ tịch các tỉnh cũng mời gọi về đầu tư. Bức xúc lắm nếu như không có giao thông phát triển. Đó là nhu cầu chính đáng”, ông Dũng nhận định.
“Tôi vinh dự, tự hào”
Tuy nhiên, “ông chủ” Tasco cũng thừa nhận, vấn đề đặt ra đối với BOT hiện nay đó là tình trạng đầu tư trong một chặng đường quá nhiều trạm.
“Tôi là người làm người vận tải, làm người dân thì cũng phản ứng, bức xúc. Người dân phản ánh là đúng, nên Nhà nước, Chính phủ cần phải xem xét và quy hoạch lại”, ông Dũng nói. Đồng thời, vị đại biểu cũng đề nghị, “khi Nhà nước không có tiền kêu gọi đầu tư, mà Nhà nước cho làm rồi, dân họ kêu thì phải giải thích và nói cho người dân thông cảm, vì điều kiện Nhà nước không có tiền, tư nhân vào đầu tư thì phải chia sẻ với Nhà nước”.
Ông Dũng cũng lật lại vấn đề khi nhiều đại biểu phản ánh cử tri bức xúc về việc các trạm thu phí cao, không hợp lý: “Cứ nói chi phí giao thông làm tăng giá thành sản phẩm, nói là cao nhưng cao bao nhiêu, cao so với cái gì? Có thể tính được ngay trên cơ sở phí giao thông, đi trong chặng đường bao nhiêu. Cứ so sánh phí giao thông và giá thành sản phẩm hàng hóa của Việt Nam với các nước trong cùng trong khu vực xem của ta cao hay thấp? Nếu thực sự giá thành sản phẩm hàng hóa của ta cao hơn các nước trong khu vực có nghĩa là hàng hóa của ta không cạnh tranh được, ta phải dừng ngay, để khắc phục đã. Chứ giờ cứ ào ào đầu tư, dân họ kêu mà không biết chi phí là bao nhiêu”.
Vị chủ tịch Tasco cũng đặt ra bài toán chi phí cơ hội, theo đó, nếu không có đầu tư BOT, người dân, doanh nghiệp sử dụng đường xấu, hẹp, làm giảm tốc độ vận chuyển, chưa kể sự cố hỏng hóc, chi phí thời gian, tăng thêm nhiên liệu, tăng phí khấu hao.... Như vậy, nếu so với phí BOT hiện nay thì cái nào hơn?
“Quê tôi ở Nam Định, về đến Hải Hậu quê tôi ngày xưa là 5 tiếng, giờ chỉ đi có hơn 2 tiếng, thì cái nào lợi hơn?”, ông Dũng tính toán.
Phản ứng trước các thông tin cho rằng “ông trùm” Tasco lãi khủng, ông Dũng nói: “Cần xem lại báo cáo tài chính của doanh nghiệp tôi lãi ở đâu?”. Theo khẳng định của ông Dũng, những năm đầu công ty hạch toán lãi nhưng không có dòng tiền, vì thu trả lãi vay còn chưa đủ, đến năm thứ tư, thứ năm mới trả được một phần nợ gốc.
“Kỳ đầu tiên tôi tham gia vào nghị trường, cũng rất vinh dự và tự hào rằng là dân đã tín nhiệm, bầu mình. Như thế có nghĩa chứng tỏ là khả năng cung cấp của mình với xã hội, và người dân đã được người ta thừa nhận. Cả đời cống hiến và làm việc, cái cuối cùng là giúp được nhiều hơn cho xã hội, người dân và cho nhiều người. Càng giúp cho nhiều người thành công tức là mình thành công”, ông Phạm Quang Dũng nói.
Bích Diệp