Ông Phạm Tấn Công giữ chức Chủ tịch VCCI
(Dân trí) - Sáng nay (8/9), ông Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn VCCI, đã được bầu làm Chủ tịch VCCI nhiệm kỳ VI thay ông Vũ Tiến Lộc.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chủ tịch VCCI cam kết sẽ đem hết sức mình, toàn tâm, toàn ý cống hiến để xây dựng VCCI vững mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
"VCCI hôm nay là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, là thành viên uy tín, tích cực của các hiệp hội, các tổ chức thương mại quốc tế. Tuy nhiên, muốn đất nước ta tiến tới sánh vai cùng các quốc gia phát triển vào năm 2045, thì giới doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải sánh ngang với giới doanh nhân, doanh nghiệp các nước này về mọi mặt, không chỉ là vốn liếng, công nghệ hay sản phẩm, mà phải cả về văn hóa, lối sống, đạo đức kinh doanh và uy tín xã hội.
Đây là một mục tiêu lớn đầy thách thức mà VCCI có sứ mệnh phải dẫn dắt, thúc đẩy, hỗ trợ giới doanh nhân, DN Việt Nam đạt cho được" - Bí thư Đảng đoàn, tân Chủ tịch VCCI khẳng định.
Cũng theo tân Chủ tịch VCCI, bên cạnh những mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn và các nhiệm vụ thường xuyên, VCCI phải quan tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt là đồng hành cùng DN vượt qua đại dịch Covid-19.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đã đóng góp những nguồn lực to lớn để chung tay cùng cả nước chống dịch, nhưng chúng ta không được quên, mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn DN phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng DN là vô cùng lớn và nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và vị thế của nước ta trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
''Hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua Covid-19 lúc này là nhiệm vụ cấp bách mà VCCI cần dốc toàn lực để thực hiện'', tân chủ tịch VCCI chia sẻ.
Ông Phạm Tấn Công sinh ngày 20/9/1963, quê quán tại Văn Lâm, Hưng Yên. Chủ tịch VCCI tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Kosice (Tiệp Khắc cũ), Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Ông có trình độ thạc sỹ kinh tế, trình độ lý luận chính trị cao cấp, đồng thời đã qua bồi dưỡng ngoại ngữ và hành chính công cao cấp tại Mỹ và Singapore.