1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ông Phạm Nhật Vượng lãi lớn từ thương vụ bán Vinmart cho Masan

(Dân trí) - Thương vụ chuyển nhượng 64,3% cổ phần tại VCM cho Masan đã mang về cho tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng lợi ích lớn.

Ông Phạm Nhật Vượng lãi lớn từ thương vụ bán Vinmart cho Masan - 1

Vụ chuyển nhượng cổ phần VCM của Vingroup cho Masan được đánh giá là thương vụ lớn nhất năm 2019

Một khoản lãi 8.502 tỷ đồng đã được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Thị trường tiếp tục có thêm một phiên hồi phục trong sáng nay (1/4), ngày đầu tiên cả nước thực hiện “cách ly toàn xã hội” theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

VN-Index tăng mạnh 17,84 điểm tương ứng 2,69% lên 680,37 điểm trong khi HNX-Index tăng 2,12 điểm tương ứng 2,29% lên 94,76 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,64 điểm tương ứng 1,33% lên 48,38 điểm.

Thanh khoản khá tốt với khối lượng giao dịch đạt 154,7 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 2.164,18 tỷ đồng và đạt 18,89 triệu cổ phiếu tương ứng 148,77 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 4,64 triệu cổ phiếu tương ứng 37,81 tỷ đồng.

Trên toàn thị trường vẫn còn trên 1.000 cổ phiếu không có giao dịch, tuy nhiên độ rộng thị trường đang nghiêng về phía các mã tăng giá. Có 396 mã tăng, 64 mã tăng trần so với 174 mã giảm và 41 mã giảm sàn.

Chỉ số chính được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu lớn, trong đó VIC tăng mạnh 3.100 đồng lên 86.500 đồng.

Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh. Tổng doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn này tăng 6,7% lên 130.036 tỷ đồng; lãi trước thuế tăng 12,5% lên 15.637 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 24% lên 7.717 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán của Vingroup ghi nhận, năm 2019, tập đoàn này đã hoán đổi toàn bộ 64,3% tỷ lệ sở hữu trong công ty VCM cho Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN) lấy quyền chọn nhận cổ phần trong một công ty mới - là công ty hợp nhất sở hữu cổ phần của hai công ty, bao gồm VinCommerce và MasanConsumerHoldings (mảng sản xuất bán lẻ của Masan).

Theo thuyết minh BCTC, tại ngày chuyển nhượng, Công ty VCM đang kiểm soát trực tiếp và gián tiếp các công ty con là VinCommerce; Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco; Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco-Tam Đảo và Nông nghiệp Đồng Nai - VinEco. Từ ngày 31/12/2019, VCM và các công ty con nêu trên không còn là công ty con của Vingroup.

Cũng theo thuyết minh tại BCTC, giá trị quyền chọn nhận cổ phần này được ghi nhận trong thuyết minh BCTC là 9.539,4 tỷ đồng. Sau đó, Vingroup đã hoàn tất chuyển nhượng một phần quyền chọn này cho một đối tác doanh nghiệp khác. Khoản lãi từ giao dịch chuyển nhượng này là 8.502 tỷ đồng và đã được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Ông Phạm Nhật Vượng lãi lớn từ thương vụ bán Vinmart cho Masan - 2

(Nguồn: BCTC kiểm toán của Vingroup)

Trở lại với thị trường, VCB tăng 2.800 đồng lên 64.800 đồng, SAB tăng 2.500 đồng lên 125.500 đồng; MWG tăng 2.300 đồng lên 61.200 đồng; VNM tăng 2.300 đồng lên 93.300 đồng; PLX tăng 2.200 đồng lên 38.700 đồng; BID cũng tăng 1.800 đồng lên 31.650 đồng.

Theo đó, VIC đóng góp tới 2,99 điểm cho VN-Index; VCB đóng góp 2,96 điểm; BID đóng góp 2,06 điểm, VNM đóng góp 1,14 điểm.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bị bán sàn suốt thời gian đã bật tăng trần trở lại. Chẳng hạn cổ phiếu “họ FLC” sáng nay bất ngờ đảo chiều: FLC tăng trần lên 2.650 đồng, khớp mạnh hơn 11,28 triệu cổ phiếu; HAI tăng trần lên 2.760 đồng, khớp lệnh gần 10 triệu cổ phiếu; AMD tăng trần lên 2.930 đồng, khớp lệnh 3,75 triệu cổ phiếu. Các mã này đều không hề còn dư bán trong khi dư mua giá trần khá lớp.

QCG cũng kết thúc chuỗi giảm sàn và tăng trần trở lại lên 5.710 đồng, khớp lệnh 2,79 triệu cổ phiếu, không còn dư bán cuối phiên, dư mua giá trần 615 nghìn cổ phiếu.

Thị trường hồi phục mạnh sau khi kết thúc phiên cuối tháng 3 ghi nhận mức sụt giảm 31,06% so với đầu năm và là một trong những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong quý I.

Trong khi giới phân tích nhìn chung vẫn đang rất thận trọng, Yuata Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ hồi phục nhẹ trong phiên đầu tháng 4 và nếu đà tăng được giữ thêm trong 1-2 phiên giao dịch tới thì nhiều khả năng rủi ro ngắn hạn có thể sẽ giảm đáng kể.

VN-Index đang phải đối mặt với hai vùng kháng cự ngắn hạn là 680-683 điểm và 695-710 điểm, nếu đồ thị giá có thể vượt được lần lượt hai vùng kháng cự này thì xu hướng ngắn hạn có thể sẽ tích cực hơn.

Ngoài ra, Yuanta Việt Nam cho rằng, tỷ trọng cổ phiếu vẫn duy trì ở mức thấp cho nên chiến lược phù hợp là tiếp tục đứng ngoài thị trường.

Mai Chi