Thương vụ "khủng" của 2 tỷ phú: Vinmart và Vinmart+ sáp nhập vào Masan
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang bắt tay cho thương vụ "khủng" Vinmart và Vinmart+ sáp nhập vào Masan. Trong khi đó, tình hình tín dụng đen “nóng” lên với bằng chứng là câu chuyện vay 60 triệu đồng phải trả tới hơn 10 tỷ đồng của một người phụ nữ ở TPHCM đã gây “choáng váng”...
Bất ngờ: Vinmart và Vinmart+ sáp nhập vào Masan
Sáng ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco, để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Đây là thương vụ đáng chú ý nhất trên thị trường của năm 2019 này.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Tò mò đăng nhập trang web và hơn 460 triệu đồng bị “ngân hàng" giả mạo VPBank lừa đảo
Theo phản ánh của chị N.T.M.K (Hà Nội): Cuối chiều ngày 4/12, chị nhận được tin nhắn từ tổng đài có tên Routee thông báo trúng 1 sổ tiết kiệm từ “SAN SO LOC VANG” tri ân và yêu cầu truy cập vào website http://trian.bank-vp.com để nhận giải, kèm theo số điện thoại liên hệ số 02439959368.
Khi chị K. đăng nhập vào website nói trên thì hiện ngay ra tên miền (https://online.vpbank.com.vn/cb/pages/jsp-ns/login-cons.jsrp), giao diện màu sắc logo, phông chữ, nền… giống hệt website của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mà chị vẫn thường truy cập để thực hiện giao dịch.
Chị K. cho rằng ở khâu này chưa thể xảy ra rủi ro được bởi nếu muốn trục lợi tiền từ tài khoản của chị thì vẫn còn một khâu bảo mật rất quan trọng là mã OTP.
Tuy nhiên, sau đó chị nhận được 1 cuộc gọi tự xưng là “nhân viên của ngân hàng” thông báo chị K. đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng và yêu cầu chị đọc đầy đủ số tài khoản để hoàn tất việc trao giải. Ngay khi đang nói chuyện thì chị K. nhận được tin nhắn báo vào điện thoại với nội dung chị đã vay ngân hàng 360 triệu đồng. Đúng 5 giây sau, chị K. tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng. Tiếp 2 giây, chị nhận được tin nhắn báo tài khoản bị trừ 3.507.700 đồng, rồi 500.000 đồng, 500.000 đồng… liên tiếp cứ 2-5 giây lại có 1 giao dịch 500.000 đồng.
Tổng cộng chị K. nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ 11,5 triệu đồng trong tài khoản.
“Phát sốt” vì vay 60 triệu đồng nhưng phải trả... hơn 10 tỷ đồng!
Tờ CAND mới đây thuật lại câu chuyện của chị T (SN 1992, ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM): Ngày 25-8-2018, do thiếu tiền trang trải cuộc sống gia đình, chị tìm vào trang hỗ trợ tài chính, vay tiền nhanh chỉ cần CMND, hộ khẩu mà không cần thế chấp tài sản. Trên đó, họ có để lại số điện thoại của Đăng (không rõ lai lịch).
Sau đó, Đăng tìm đến tận nhà và yêu cầu được xem CMND, hộ khẩu bản chính, chụp hình nhà cửa và trao đổi nội dung như sau, vay 60 triệu đồng, theo hình thức trả góp gồm lãi, gốc theo ngày; trong 40 ngày thì lãi 12 triệu đồng.
Do cần tiền gấp nên chị T đồng ý. Sau đó, Đăng không viết giấy vay nợ mà “lách” sang giấy nhận tiền cọc thuê nhà và giấy nhờ mua xe giùm. Chị T ký nhận 72 triệu đồng dưới hai hình thức trên. Chị T thắc mắc thì được Đăng giải thích rằng, đây là giấy tờ để hợp thức hóa, nếu trả tiền đúng thời hạn thì không sao.
Theo chị T, thực tế Đăng chỉ đưa cho chị 50,4 triệu đồng và giải thích rằng, chị phải chịu mức phí dịch vụ 10%/60 triệu đồng (tương đương 6 triệu đồng) và đóng trước 2 ngày lãi và gốc là 3,6 triệu đồng. Sau 2 ngày nhận khoản tiền vay thì đều đặn mỗi ngày, chị T phải đóng số tiền 1,8 triệu đồng (gồm 1,5 triệu đồng tiền gốc, 300 ngàn đồng tiền lãi) trong vòng 40 ngày. Những ngày sau đó, có 2 thanh niên “xăm trổ” đầy mình là “đàn em” của Đăng đã đến thu tiền của chị.
Liên tục điện thoại đòi nợ, đe dọa, nếu chị chậm đóng 1 ngày sẽ phạt gấp đôi nên buộc chị T cứ tiếp tục vay hết người này đến người khác để trả nợ. Do mất khả năng tài chính và liên tục bị gần 40 đối tượng đe dọa xử qua số điện thoại nên chị T không dám tố cáo hành vi của chúng đến cơ quan Công an. Chỉ khi chúng cùng đến nhà đòi nợ, chị mới thức tỉnh và biết chúng cùng là đồng bọn của Đăng. Vì vay nợ người này để trả nợ người khác theo cùng một hình thức, đến ngày 20/12/2018, chị T đã nợ hơn 7 tỷ đồng. Trả 6,8 tỷ đồng nhưng vay thêm 180 triệu đồng, đến 1/7/2019, chị T ôm nợ tiếp 3 tỷ đồng.
Tổng cục quản lý thị trường lên tiếng trước nghi ngờ “bảo kê” vụ Seven.AM
Thông tin vụ lùm xùm về nguồn gốc sản phẩm tại thương hiệu thời trang Seven.AM vẫn tiếp tục gây chú ý trong tuần qua.
Sau khi công bố kết luận kiểm tra vụ Seven.AM, một số thông tin cho rằng, có dấu hiệu "bảo kê" của Tổng cục quản lý thị trường đối với Công ty cổ phần MHA hay chưa xử lý đúng bản chất sự việc.
Trước nghi vấn nêu trên, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường đã lên tiếng khẳng định không có chuyện bảo kê, bao che cho các sai phạm.
“Sự việc vẫn tiếp tục được xác minh, làm rõ và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cho biết.
Theo cơ quan này, việc xử lý vi phạm hành chính là 170 triệu đồng mới chỉ là kết luận những vi phạm ban đầu.
Có hay không việc Hà Nội “mâu thuẫn” về trợ giá nước Sông Đuống?
Về dự án nước sạch Sông Đuống, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - cho biết, việc UBND thành phố và HĐND có văn bản qua lại là để trao đổi, giải quyết các vướng mắc về tạm thời trợ giá nước Sông Đống , chứ không phải HĐND “bác” bỏ đề xuất của UBND thành phố.
“Từ năm 2013 đến nay, TP. Hà Nội đã giữ giá nước ổn định cho người dân và các cơ sở sản xuất, nhưng theo lộ trình sẽ phải tăng giá nước.” - ông Hùng nói.
Sau khi xem xét các yếu tố giá tiêu thụ và giá bán lẻ, UBND TP.Hà Nội đã trao đổi với HĐND thành phố bằng văn bản số 2468, để xem xét giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền về xử lý khi có chênh lệch giữa giá nước bán lẻ và giá nước tiêu thụ.
“Đây là thẩm quyền của UBND thành phố, báo cáo HĐND để xin ý kiến, trao đổi, văn bản của HĐND không phải là bác. Hiện nay UBND thành phố đang chỉ đạo để sửa đổi Nghị định 38, trong đó lưu ý tính đúng, tính đủ cho người dân và doanh nghiệp và quy định của Luật giá.” - ông Hùng nhấn mạnh.
Mai Chi (tổng hợp)