Ông Phạm Nhật Vượng hái “quả ngọt” từ Vsmart sau khi dồn lực cho công nghệ

(Dân trí) - Vsmart chính thức đạt 16,7% thị phần - thông tin này hỗ trợ cổ phiếu VIC tăng giá mạnh và là “quả ngọt” sau khi Vingroup tuyên bố tập trung nguồn lực theo đuổi mục tiêu công nghiệp – công nghệ.

Phiên giao dịch ngày 9/4 diễn ra tương đối thuận lợi với trạng thái tăng giá phủ khắp các chỉ số chính. VN-Index tăng 12,31 điểm tương ứng 1,65% lên 760,33 điểm; HNX-Index tăng 1,15 điểm tương ứng 1,1% lên 105,08 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,43 điểm tương ứng 0,86% lên 50,74 điểm.

Thanh khoản đạt 298,46 triệu cổ phiếu tương ứng 4.394,45 tỷ đồng trên HSX và 48,02 triệu cổ phiếu tương ứng 462,11 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 16,75 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 189,4 tỷ đồng.

Một dấu hiệu rất tích cực là mặc dù vẫn có những mã cổ phiếu lớn có đóng góp lớn cho VN-Index tuy nhiên, xét trên quy mô toàn thị trường, số lượng mã tăng hoàn toàn áp đảo.

Theo thống kê, cả ba sàn HSX, HNX và UPCoM có 446 mã tăng giá, 72 mã tăng trần so với 237 mã giảm và 44 mã giảm sàn.

Tình trạng phân hoá của cổ phiếu vốn hoá lớn dẫn đến VN30-Index chỉ tăng 6,68 điểm tương ứng 0,97%, mức tăng thấp hơn đáng kể so với VN-Index.

Phiên này, GAS tăng trần 4.300 đồng lên 67.000 đồng, không hề có dư bán cuối phiên. VCB tăng 3.500 đồng lên 71.000 đồng, VIC tăng 2.000 đồng lên 96.000 đồng, VRE tăng 1.200 đồng lên 23.700 đồng, VNM tăng 1.100 đồng lên 100.100 đồng.

Theo đó, VCB đóng góp gần 3,7 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, GAS đóng góp 2,34 điểm, VIC cũng đóng góp 1,93 điểm cho chỉ số chính.

Ông Phạm Nhật Vượng hái “quả ngọt” từ Vsmart sau khi dồn lực cho công nghệ - 1

Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng quyết tâm theo đuổi mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp (ảnh: Forbes)

Trong phiên, cổ phiếu VIC của Vingroup nhận thông tin tích cực với việc thị phần điện thoại Vsmart được cải thiện. Điện thoại là một trong những sản phẩm đáng chú ý của Vingroup sau khi tập đoàn này đã công bố chuyển hướng trở thành một tập đoàn công nghiệp - công nghệ.

Cụ thể, báo cáo thị trường tuần cuối tháng 3/2020 do GfK thực hiện cho thấy, sau bảy tuần liên tiếp tăng trưởng hai con số, điện thoại Vsmart của Công ty VinSmart (thuộc Vingroup) đã chính thức đạt 16,7% thị phần, gia nhập nhóm ba thương hiệu có thị phần trên 15%; đồng thời giữ vững ở khoảng cách xa so với nhóm thương hiệu còn lại. 

Còn nhớ vào cuối năm 2019, ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Vingroup đã cho biết, tập đoàn đang tiếp tục tiến hành tái cơ cấu mảng bán lẻ của mình (trong đó có việc sáp nhập VinCommerce vào Masan; sáp nhập Adayroi vào VinID) để tập trung nguồn lực theo đuổi mục tiêu công nghiệp – công nghệ.

Ông Quang Nhấn mạnh, với việc thay đổi chiến lược mới, toàn hệ thống Vingroup đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart.

“Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn” - CEO của Vingroup cho hay.

Trở lại với thị trường chứng khoán, hôm qua, ROS tiếp tục tăng trần lên 4.280. Khớp lệnh tại mã này rất “khủng”, lên tới 28,79 triệu đơn vị, trong khi đó, mọi lệnh bán đều đã được khớp, không có dư bán và dư mua giá trần còn hơn 25 triệu cổ phiếu.

Chiều ngược lại, VHM giảm 1.000 đồng xuống 69.000 đồng, MWG giảm 1.000 đồng xuống 73.000 đồng; BID, HPG, VPB cũng bị mất giá.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xu hướng hồi phục của VN-Index vẫn đang được duy trì với đích đến 780-820 điểm trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo quan sát của các chuyên gia BVSC, nhiều cổ phiếu đã đạt được mức hồi phục ấn tượng trong tuần và hiện đang tiệm cận các vùng kháng cự mạnh. Điều này có thể khiến chỉ số gặp áp lực chốt lời mạnh và điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4.

Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Do vậy, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 20-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn trong phiên ngay mai.

Đối với các nhà đầu tư còn vị thế tiền mặt lớn và có mức độ chịu đựng rủi ro cao có thể xem xét mua lại các vị thế đã bán hoặc mở các vị thế mua mới với tỷ trọng thấp khi thị trường kiểm định vùng 700-730 điểm.

Mai Chi