Ông Phạm Nhật Vượng góp vốn thành lập công ty 3.000 tỷ đồng bằng cách nào?

Mai Chi

(Dân trí) - Để góp 95% vốn thành lập Công ty GSM, ông Phạm Nhật Vượng sẽ chuyển quyền sở hữu 50,77 triệu cổ phiếu VIC sang GSM, và theo đó, GSM sẽ sở hữu 1,31% vốn điều lệ Vingroup.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Vingroup vừa thông báo về kế hoạch chuyển quyền sở hữu 50,77 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào Công ty cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh GSM.

Số cổ phiếu này tương đương với 1,31% vốn điều lệ Tập đoàn Vingroup. Giá trị giao dịch dự kiến tính theo mệnh giá là 507,66 tỷ đồng, song được định giá ở mức 2.850 tỷ đồng với mức giá cổ phiếu VIC giao dịch bình quân 50 phiên liên tiếp tính đến ngày 27/2. Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng chiếm 95% sở hữu của GSM (vốn điều lệ của GSM là 3.000 tỷ đồng).

Ông Phạm Nhật Vượng góp vốn thành lập công ty 3.000 tỷ đồng bằng cách nào? - 1

Tổng sở hữu của vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng và tổ chức liên quan tại Vingroup dự kiến không thay đổi sau giao dịch chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập công ty GSM cũng như VMI (Ảnh: Bloomberg).

Giao dịch nói trên dự kiến sẽ được ông Phạm Nhật Vượng thực hiện từ ngày 21/3 đến ngày 19/4. Sau giao dịch, ông Vượng sẽ giảm sở hữu trực tiếp tại Vingroup xuống còn 691,27 triệu cổ phiếu, tương đương 17,87% vốn điều lệ Vingroup, trong khi đó, Công ty GSM sẽ sở hữu 1,31% vốn điều lệ Vingroup.

Trước đó, vào cuối năm 2022, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã dùng 243 triệu cổ phiếu VIC (được định giá ở mức 16.200 tỷ đồng) để góp vốn thành lập Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI do ông và vợ thành lập.

Sau các giao dịch nói trên thì tổng sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng và nhóm nhà đầu tư liên quan tại Vingroup dự kiến vẫn giữ nguyên với tỷ lệ xấp xỉ 63%. Trong đó, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là cổ đông lớn nhất với 33% cổ phần, cá nhân ông Vượng giữ 17,87%, VMI nắm 6,29%, GSM sở hữu 1,31% và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) nắm 4,5%.