Ông Nguyễn Văn Bình: Không phải nước nào cũng làm được như Việt Nam
(Dân trí) - Chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách của Đảng và Nhà nước ta không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có thu nhập cao hơn.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương về kết quả thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo ông Bình, trong suốt 30 năm đổi mới thì hoạt động tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.
"Có thể khẳng định đây là một điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo Quốc gia cũng như chăm lo, phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội", Trưởng ban Kinh tế trung ương chia sẻ.
Theo ông Bình, báo cáo tính đến tháng 10 năm 2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đạt trên 212 nghìn tỷ đồng (tương đương xấp xỉ 10 tỷ USD); dư nợ tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ đô).
Ông Bình cho rằng: Với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp mà những con số nói trên đã thể hiện sự hết sức cố gắng, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước chúng ta.
Về kết quả, theo Trưởng ban Kinh tế trung ương, tính đến nay, đã có trên 10 triệu lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; trong đó có hơn 2 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững.
Có thể nói rằng, đến nay, trên 3,3 triệu hộ gia đình của Việt Nam thông qua tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã được sử dụng nước sạch và nước đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
Trong đó, 125 nghìn lượt hộ được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam để xây dựng nhà ở; tới 315 nghìn lượt học sinh sinh viên được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống; hơn 1 triệu lượt người được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để tạo công ăn việc làm cũng như 21.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
Theo Trưởng ban Kinh tế trung ương, tất cả những con số đó đã nói lên hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp rất đặc biệt, sáng tạo và nhân văn sâu sắc; một giải pháp thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ chúng ta.
An Linh