Ông Nguyễn Văn Bình: Thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cần hạn chế cấm đoán để phát triển

(Dân trí) - "Trước các cơ hội và thách thức do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại, cần hạn chế tối đa việc cấm đoán để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển", Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình nói.

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) mới đây. 

Ông Nguyễn Văn Bình: Thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cần hạn chế cấm đoán để phát triển - 1

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương thăm và làm việc tại Tập đoàn Viettel

Theo ông Bình, xu hướng các nước phát triển và đang phát triển coi trọng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và coi đây là cơ hội để phát triển đất nước mình. Ông nói: “Cần coi Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là cuộc chạy đua trong đó xã hội và nhà nước cùng phải mạnh để tạo ra hành lang phát triển tối đa giúp đất nước thực hiện được mục tiêu bắt kịp và đi cùng với sự phát triển của thế giới”.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh: Chuyển đổi số sẽ giúp đất nước phát triển và nhảy vọt còn nếu không mãi sẽ là người đi sau. 

“Hy vọng Viettel sẽ là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và nắm bắt được thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 để tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước”, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương kỳ vọng.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế trung ương đánh giá cao những kết quả đã đạt được và sự phát triển vượt bậc của Tập đoàn qua hơn 30 năm hình thành và phát triển; với việc triển khai thực hiện quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ các nhóm giải pháp có tầm nhìn và tư duy quản lý vượt trội; trở thành hình mẫu tập đoàn Nhà nước tiêu biểu của Việt Nam, có đủ sức cạnh tranh khu vực và tiến tới toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Đảng ta chủ trương kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là then chốt để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; trong đó các doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong việc mở đường và tạo thị trường

Trưởng Ban Kinh tế trung ương đề nghị Viettel cần tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, an ninh mạng; coi con người và khoa học công nghệ là yếu tố quyết định; tập trung nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu phát triển; lựa chọn đối tác chiến lược đúng đắn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Bình: Thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cần hạn chế cấm đoán để phát triển - 2

Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh Viettel cần đi tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, an ninh mạng cho quốc gia

“Với thành quả phát triển, Viettel cần tổng kết những điểm thành công trong quản trị và cơ chế tài chính để nhân rộng trong việc phát triển các doanh nghiệp nhà nước”, ông Bình gợi mở.

Tại buổi làm việc, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel ông Lê Đăng Dũng kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan để có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Viettel đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định số 95/2014/NĐ-CP (quy định về cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN) và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTC-BKHCN (về hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp) theo hướng mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động KH&CN; Doanh nghiệp nhà nước được thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo như mua bán sát nhập doanh nghiệp công nghệ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa công nghệ…

Cùng với đó, Viettel cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị để ra nghị quyết về khuyến khích và tăng cường sử dụng thiết bị hạ tầng viễn thông đã sản xuất được tại Việt Nam vì đây là nền tảng quan trọng nhất của một nền kinh tế số - nếu không an toàn thì nền kinh tế đó cũng sẽ không an toàn.

An Linh