Ông Nguyễn Văn Bình: "Giữ tư duy cũ kỹ, Việt Nam sẽ bị bỏ rơi!"
(Dân trí) - "Nếu vẫn có tư duy không quản được thì cấm sẽ khiến đất nước không tận dụng được lợi thời cơ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sẽ bị bỏ rơi...”, khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức tại Hà Nội ngày 3/10, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra nhiều quan điểm về cách tiếp cận và vận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam cần làm để xây dựng đất nước lớn mạnh.
Đề cập ngay về khái niệm, quan điểm Cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Bình cho rằng, khi nói đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trong xã hội nảy sinh nhiều tư tưởng, suy nghĩ khác nhau có người bàng quang, rất là thụ động.
"Có người thậm chí là hết sức tự ti cho rằng đây là một cuộc Cách mạng của ai đó chứ không phải cuộc Cách mạng của chúng ta, thậm chí có những ý kiến cho rằng Việt Nam làm tốt 0.4 đi đã cớ gì mà nhanh chóng vội vàng làm 4.0", ông Bình nói.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng khẳng định, đã, đang có hiện tượng "lạm dụng “Cách mạng Công nghiệp 4.0, coi nó là chiếc "đũa thần".
Các diễn giả, quan khách tham dự tại Diễn đàn lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ về các ứng dụng công nghệ mới
"Có tư tưởng, suy nghĩ còn thể hiện sự chủ quan nóng vội, thậm chí duy ý chí, cái gì cũng nói đến 4.0, coi rằng 4.0 xử lý tất cả mọi việc mà không tính đến những mặt trái, những hệ lụy, những tác động tiêu cực mà cuộc cách mạng này có thể mang đến", Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương nói.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nói: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến cả cơ hội nhưng cũng mang đến cả thách thức cho cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển như Việt Nam.
"Phải có cách tiếp cận mở sáng tạo, mạnh dạn cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Đây thực sự là một yêu cầu hết sức quan trọng và thế giới đánh giá đây là cuộc cách mạng về thể chế vì việc phát triển mạnh mẽ của nó sẽ tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và thậm chí bùng nổ", ông Bình khái quát quan điểm của Đảng về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Sự bùng nổ lực lượng sản xuất làm cho khuôn khổ của thể chế kinh tế, quản lý truyền thống không còn phù hợp, thậm chí kìm hãm sự phát triển. Chính vì vậy, theo ông Bình: "Yêu cầu sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế kinh tế, quản lý là bản chất Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra"
Theo ông Bình: "Từ trước đến nay chúng ta vẫn có cái tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì chúng ta chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì chúng ta cấm. Còn gì là đổi mới sáng tạo!"
"Không thể có Cách mạng công nghiệp 4.0 nếu chúng ta vẫn tiếp tục với cách tư duy như thế để quản lý kinh tế và quản lý xã hội" và "Chúng ta đã đứng lại và để cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tràn qua và sẽ lại là người đến sau và sẽ lại là người bị bỏ rơi ở phía sau", ông Bình nói rõ.
Nguyễn Tuyền