Phó Thủ tướng: Xử nghiêm “sếp” doanh nghiệp cố tình sai phạm trong cổ phần hóa

(Dân trí) - Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần phải xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả công tác này.

Cổ phần hóa chậm vì chờ chủ trương xác định giá đất

Tại cuộc làm việc của Ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp diễn ra ngày 10/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tới nay đã có 96,5% số lượng DNNN cổ phần hóa nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%.

Như vậy, còn tới 92% vốn Nhà nước chưa được cổ phần hóa, đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa DNNN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa DNNN.

Nói về sự chững lại của hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong Quý I/2017, các thành viên Ban chỉ đạo cho hay, do phải thực hiện đối với các DNNN có quy mô vốn lớn lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng (Tổng công ty Cà phê, VNPT, PVN, các Tổng công ty phát điện của EVN, Tập đoàn Cao su, Vinafood 1 và 2,…).

Một nguyên nhân nữa đến từ việc các bộ, ngành và địa phương có tâm lý chờ Chính phủ sửa đổi xong Nghị định 59/2015/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần (liên quan tới việc xử lý vấn đề sở hữu đất đai của DN cổ phần hóa) và trông chờ việc các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại DN…

Cụ thể, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong Quý III,IV/2017 sẽ xác định giá trị DN tại Vinafood 1 và Tổng công ty Cà phê. Thế nhưng, vị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận một thực tế: “Đúng là đang có tâm lý chờ sửa Nghị định số 59 về chủ trương xác định giá đất”.

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng: “Nếu vướng mắc trong xử lý vấn đề sở hữu đất đai sau cổ phần hóa thì chỉ cần các bộ, tập đoàn, tổng công ty ngồi lại với Bộ Tài chính thảo luận thì sẽ xử lý được hết trên cơ sở thực hiện theo Quyết định số 58 của Thủ tướng”.

Vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản kể lại: Năm 2016, địa phương này đã cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), có vốn Nhà nước có 2.125 tỷ đồng, trong đó, vướng mắc lớn nhất là việc xử lý đất đai. Trong khi Chính phủ chưa sửa được Nghị định 59 thì Hà Nội đã chỉ đạo lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, phương án sắp xếp đất đai của Hapro theo hướng rà soát chức năng của Hapro sau cổ phần để xác định chính xác hơn giá trị DN.

Không để xảy ra tiêu cực trong thoái vốn, cổ phần hóa

Chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo nêu rõ: “Khi kế hoạch tái cơ cấu DNNN trình lên thì các bộ, ban, ngành và địa phương phải khẩn trương tiếp nhận và xử lý. Chậm một ngày thì lỡ tiến độ thực hiện tới hàng tháng, cả một quý, thậm chí cả 1 năm của DN”.

Đồng thời, theo đánh giá của Phó Thủ tướng, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn thiếu quyết liệt, có tâm lý chờ đợi các quy định của Nhà nước.

Trong giai đoạn tới, cả nước tập trung cổ phần hóa các DNNN rất lớn (số lượng DN ít nhưng tỷ trọng vốn rất nhiều) như EVN đang thực hiện các thủ tục cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, hay năm nay cổ phần hóa Tập đoàn như Cao su, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Thủ tướng đánh giá, “đây là những DN lớn mà Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại kết quả định giá để tránh thất thoát vốn, tài sản”.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn Nhà nước, nhất là không có tiêu cực trong thoái vốn, cổ phần hóa.

Đồng thời, khắc phục các bất cập về pháp lý của cổ phần hóa để đảm bảo quá trình này diễn ra nhanh, khẩn trương, đúng quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý DN yếu kém theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW là Nhà nước không bỏ thêm tiền để tái cơ cấu DN. Các địa phương, bộ, ngành cần chủ động xử lý các DN yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh: “Xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu DN, người đại diện vốn Nhà nước tại DN cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả công tác này kể cả hoạt động điều hành, quản trị DN hiện nay”.

Đối với các DNNN cần sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn hiện nay có giá trị thị trường rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng: “Không cần cổ phần hóa thật nhiều nhưng phải đảm bảo vốn Nhà nước phải được bán, thoái tốt hơn và nâng cao năng lực quản trị của DN. Hàng tháng Thường trực Ban chỉ đạo sẽ nghe báo cáo của các bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty. Hàng quý, Ban chỉ đạo sẽ họp giao ban để đẩy nhanh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN”.

Trong giai đoạn 2017-2020, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 137 DNNN. Tính tới quý I/2017, cả nước đã cổ phần hóa 8 DNNN và 1 đơn vị sự nghiệp, công bố giá trị DN nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 DN và đang tiến hành xác định giá trị của 108 DN, giải thể được 1 DN thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam và phê duyệt giá trị cho 1 DN để cổ phần hóa.

Về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 25/3, cả nước đã bán phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 71,8 tỷ đồng tại 10 DN không cần nắm giữ và thu về 72,8 tỷ đồng, trong đó có 6 DN phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Bích Diệp