1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cổ phần hóa ì ạch, sếp cũ vẫn ngồi yên "ghế mới"

(Dân trí) - "Việc cổ phần hoá (CPH) DNNN sẽ không đạt được mục tiêu nếu chỉ chạy theo tiến độ theo kiểu đơn giản là “biến hoá” DNNN thành Công ty cổ phần để thu “tiền” về bằng cổ phần".

Bên cạnh đó, lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ - vẫn vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước... Những DN nào Nhà nước giữ vốn lớn, không xóa bỏ vai trò quản lý Nhà nước thì hầu như vẫn không có gì đổi mới về cấu trúc thời hậu CPH - Không ai mất chức, mất việc hoặc nếu rời DN trong độ tuổi lao động thì được Nhà nước “trả một cục” để đi tìm việc khác.

Đây là những đánh giá khá xác đáng của TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng tại Diễn đàn "Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” được tổ chức hôm qua (30/11) tại Hà Nội.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang đứng trước nguy cơ không thay đổi được về chất.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang đứng trước nguy cơ không thay đổi được về chất.

Theo ông Lai, điều đáng lo ngại sau CPH hàng loạt đó, nền kinh tế Việt Nam lại “đổi mới” thành một nền kinh tế bị chia cắt ra làm 3 nền kinh tế có hàng rào, vị thế, cơ chế vận hành và cả thị trường tiếp cận tư liệu sản xuất ở đầu vào độc lập nhau, gồm: Nền kinh tế Nhà nước, nền kinh tế tư nhân và nền kinh tế FDI.

Ông này nhấn mạnh, phải nói thẳng là không nên gọi chung chung cổ phần hóa DNNN nữa, vì tiến trình này đang rất chậm, rất lâu và thậm chí không có thay đổi về chất. Phải nói thẳng là tư nhân hóa DNNN.

Theo TS Lai, hiện 3 “nền kinh tế” trên được xem xét qua các thứ tự ưu tiên: “con đẻ”, “con nuôi” và “con ngoài giá thú”. Mỗi loại có thân phận, luật lệ và thị trường riêng.

Ông Lai cho rằng, ba loại hình kinh tế này hình thành nhiều nhóm lợi ích, có “chân trong chân ngoài” tạo ra những mạch ngầm, luồng lạch để hút nội lực lẫn nhau và kìm hãm sự phát triển.

Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới trong hơn 40 năm thống nhất và từng bước mở rộng cửa giao lưu kinh tế trong không gian thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy một nền kinh tế thị trường hoàn hảo và một nền kinh tế năng động sáng tạo so với tiềm lực và so với nhiều quốc gia từng có cùng hoàn cảnh đi lên trong khu vực và trên thế giới.

"Nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở chỗ Nhà nước cùng một lúc vừa quản lý, vừa quốc doanh. Nhân tài ở mọi thành phần kinh tế do đó vừa không đủ môi trường để phát triển tự do vì hoặc không có đất dụng võ hoặc bị chèn ép, vừa không có cơ chế để đào tạo và trọng dụng sáng tạo..." TS Lai nói.

Theo ông Lai, bóng dáng của mô hình bao cấp, xin – cho vẫn đậm nét và kéo dài trong khu vực quốc doanh, đã như những hòn đá tảng tự kìm hãm và kìm hãm luôn đối với các thành phần kinh tế khác.

TS Lai khẳng định: Những cơ chế bao cấp, cải cách và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế nửa vời đã làm cho kinh tế nước ta sau hơn 40 năm thống nhất trong hoà bình mà vẫn bị rơi vào bẫy bán hàng thô – mua hàng tinh – lắp ráp – thủ công và hoặc bán cần câu mua cá!

Nguyễn Tuyền

Cổ phần hóa ì ạch, sếp cũ vẫn ngồi yên "ghế mới" - 2