“Ông lớn” ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất cho vay
(Dân trí) - Sáng nay 29/4, hai “ông lớn” ngân hàng là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bất ngờ công bố chính sách lãi suất cho vay mới.
Động thái này của hai ngân hàng lớn đúng vào thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổ chức hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp.
Thông tin từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, ngân hàng này điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10%/năm trong thời gian một năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Vietcombank cung cấp gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng. Gói ngân sách này có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Theo Vietcombank: Với gói giải pháp này từ Vietcombank, các doanh nghiệp không những được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng mà còn được ngân hàng hỗ trợ để triển khai phương án kinh doanh với hiệu quả tối ưu, phát triển hoạt động sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Cũng kể từ sáng nay 29/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VNĐ. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn được ngân hàng này giảm đến 0,5%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Còn lãi suất cho vay trung dài hạn, theo quyết định mới của BIDV tối đa không quá 10%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với báo giới, đại diện Vietcombank cho biết, chính sách lãi suất cho vay mới này nhằm phát đi tín hiệu tích cực, phản ánh kỳ vọng của doanh nghiệp vào quyết tâm của Chính phủ.
“Theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, mặc dù là ngân hàng luôn áp dụng các chính sách cho vay với mức lãi suất hợp lý nhất cho các doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, Vietcombank lại tiếp tục đi đầu trong hệ thống ngân hàng khi phát đi thông điệp về việc hạ lãi suất cho vay để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp”, thông tin từ Vietcombank nhấn mạnh.
Với BIDV, việc giảm lãi suất cho vay cũng thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ về việc điều chỉnh lãi suất cho vay với doanh nghiệp và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, BIDV đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính... Theo đó, trong thời gian tới, BIDV tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ qui mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao. Đồng thời, ngân hàng này tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập...
Trong lĩnh vực huy động vốn, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững nền vốn hiện tại, BIDV đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và các chỉ số an toàn theo qui định của NHNN. Đặc biệt, từ nay đến cuối 2016, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500- 600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến qui trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính...
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố dành 5.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại TPBank và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Quyết định đưa ra gói ưu đãi lãi suất này của TPBank chính là một hành động thiết thực hưởng ứng chủ trương của Chính Phủ, NHNN thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của TPBank với doanh nghiệp.
Không chỉ áp dụng mức lãi suất ưu đãi khá hấp dẫn, ngân hàng này còn tư vấn, linh động thủ tục và rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ nhằm tạo điều kiện để gói ưu đãi này sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với động thái trên của các ngân hàng lớn, mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới có nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh theo hướng đi xuống. Trước đó, tại Lễ mít tinh Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực điều hành, theo dõi sát tình hình thực tế, chủ động thực hiện và tham mưu cho Chính phủ các quyết sách phù hợp, điều hành linh hoạt các công cụ, chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị tiền đồng Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ, giảm thiểu tình trạng đô la hoá, nâng cao dự trữ ngoại hối góp phần tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Dữ liệu từ NHNN cho thấy: Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND hiện phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Tuần giữa tháng 4, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt đến mức 4,75%/năm, 4,86%/năm và 4,93%/năm…
Nguyễn Hiền