"Ông lớn" giấu mặt, thương vụ 2.400 tỷ đồng chấn động thị trường

Bà Đỗ Quỳnh Ngân - vợ ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu VPB, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cổ phiếu ACB có vụ chuyển nhượng 75 triệu cổ phần trị giá 2.400 tỷ đồng giữa những nhà đầu lớn chưa công bố danh tính.

Thông tin từ HOSE cho biết, bà Đỗ Quỳnh Ngân - vợ ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu VPB trong khoảng thời gian dự kiến từ 19/10 - 17/11/2017 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Nếu mua thành công, bà Đỗ Quỳnh Ngân sẽ phải chi ra hơn 400 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên, người có liên quan tới ông Nguyễn Đức Vinh có giao dịch cổ phiếu VPBank kể từ khi ông Vinh về làm Tổng giám đốc VPBank từ giữa năm 2012.

Ông Nguyễn Đức Vinh được xem là người có công giúp VPBank phát triển nhanh từ một ngân hàng nhỏ và vừa trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam. Lợi nhuận của ngân hàng này hiện đang cao ngang ngửa với nhiều NHTMCP có nguồn gốc Nhà nước.


(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

VPBank dự kiến đạt 7 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2017 với một phần lướn lợi nhuận đến từ “gà đẻ trứng vàng” Fe Credit, mảng cho vay tiêu dùng của ngân hàng này.

VPBank là một cổ phiếu có tốc độ tăng chóng mặt trong thời gian qua. VPBank chính thức niêm yết trên sàn HoSE hôm 17/8 với giá 39.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, VPB là ngân hàng niêm yết có giá đắt đỏ nhất trong số những ngân hàng đã lên sàn.

Sau hơn 2 tháng lên sàn, cổ phiếu VPB đã chính thức vượt ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất dòng ngân hàng. Vốn hóa VPB chính thức vượt 60 ngàn tỷ đồng.

Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng cùng với vợ và mẹ nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng gần chục ngàn tỷ đồng, lọt top 10 giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Các cổ phiếu ngân hàng hiện đang là tâm điểm của thị trường chứng khoán. Trong phiên giao dịch 17/10, cổ phiếu VPBank chứng kiến thỏa thuần gần 3 triệu cổ phiếu giá trần, tương ứng giá trị gần 130 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu cũng chứng kiến 75 triệu cổ phần được chuyển nhượng, trị giá hơn 2,4 ngàn tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận của ACB diễn ra giữa các nhà đầu tư ngoại.

Các cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV, VCB của Vietcombank đều tăng mạnh.

Trong đó các cổ phiếu ngân hàng, VCB tăng 5% lên 41.000 đồng. Ngoài ra, BID cũng giao dịch khá tốt khi tăng 5,7% lên 21.500 đồng cũng tác động khá nhiều tới đà tăng của thị trường. ACB có giao dịch thỏa thuận rất lớn.

Sự bùng nổ của các cổ phiếu ngân hàng cùng với cú bứt phá thần tốc của cổ phiếu Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB) cùng với nhiều cổ phiếu trụ cột như Vinamilk (VNM), Vingroup (VIC), Petrolimex (PLX)… đã giúp thị trường chứng khoán vươn lên một tầm cao mới.

Thị trường chứng khoán còn sôi động nhờ nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3 và sự bứt phá của nhiều cổ phiếu nóng.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, theo một số công ty chứng khoán, nhiều cổ phiếu nóng đã tăng nhanh theo thị trường và đang chịu áp lực chốt lời mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/10, VN-index tăng 8,86 điểm lên 828,29 điểm; HNX-Index tăng 0,54 điểm lên 109,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 54,4 điểm. Thanh khoản đạt 235 triệu cổ phần được giao dịch và 75 triệu cổ phiếu thỏa thuận của ACB. Giá trị đạt gần 7,2 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Theo H. Tú
Vietnamnet