"Ông lớn" FDI chuyển giá: Đừng để "rình rang" rồi mới vào cuộc

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát các vấn đề về chuyển giá đối với các doanh nghiệp, không riêng gì doanh nghiệp FDI, cần phải được làm hàng ngày, hàng giờ, xem xét ngay từ khâu nhà đầu tư xin nộp hồ sơ đầu tư.

Vụ việc công ty Metro Việt Nam, Honda Việt Nam chuyển giá, trốn thuế gây thất thu một lượng lớn tiền thuế Nhà nước đang trở thành chủ đề “hot” nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Mặc dù trước đó nhiều lần việc các doanh nghiệp FDI chuyển giá để trốn thuế được đặt ra nhưng các kết luận chỉ mới được công bố trong thời gian gần đây, sau hơn chục năm các “ông lớn” này hoạt động tại thị trường Việt Nam, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về năng lực và hiệu quả thực sự của ngành thuế.

Ông lớn FDI chuyển giá: Đừng để rình rang rồi mới vào cuộc
Câu chuyện Metro chuyển giá, tránh thuế được coi là kinh nghiệp cho ngành thuế bởi đây mới chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều chiêu trò tinh tế về chuyển giá của các "ông lớn" FDI.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành “ngán ngẩm” cho biết: “Câu chuyện chuyển giá hay không chuyển giá của Metro tôi đã nói nhiều lắm rồi và không muốn nói thêm gì nữa. Tất nhiên, người ta luôn tìm cách để tăng kết quả kinh doanh lên còn mình là chủ nhà, mình phải có trách nhiệm theo dõi hoạt động của các nhà đầu tư, không chỉ riêng Metro hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)”.

Theo ông Thành, cơ quan quản lý cần có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát một mặt để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động tốt, một mặt không làm tổn hại tới quyền lợi của đất nước. 

“Đó là những việc mình phải làm hàng ngày, hàng giờ chứ không phải là chờ cho Metro bán đi rồi, rình rang tùm lum lên rồi mới vào cuộc đi kiểm tra, giám định rồi mới đi đến kết luận trốn thuế hàng nghìn tỷ đồng. Tại sao chúng ta không làm việc đó khi câu chuyện nó đang xảy ra, biết là các doanh nghiệp lúc nào cũng muốn tìm cách để nâng lợi nhuận lên, việc trốn thuế là hoàn toàn có thể xảy ra thì tại sao không làm mà giờ mới vào cuộc?”, ông Thành nói.

Theo vị chuyên gia này, để xảy ra tình trạng “việc đã rồi” là do năng lực của cơ quan quản lý thuế và phần nào do vấn nạn tham nhũng, “phong bao phong bì” khiến ngành thuế làm ăn tắc trách. 

“Tại sao mười mấy năm chúng ta không làm? Năng lực quản lý nhà nước của mình thế nào hay là mấy năm nay có làm nhưng chỉ làm hờ hững cho qua việc? Vấn đề quản lý thuế cần nghiêm túc chứ không phải chờ xảy ra rồi mới xắn tay vào làm. Mỗi người có một phần việc khác nhau, doanh nghiệp phải làm ăn có lãi còn Nhà nước phải quản lý để làm sao tất cả các doanh nghiệp đều phải công bằng, bình đẳng với nhau. Không thể để xảy ra tình trạng người trốn thuế lợi nhuận cao còn kẻ  không trốn thuế lợi nhuận thấp được”, ông Thành nhấn mạnh. 

Nói về các “chiêu trò” chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI, ông Thành cho biết, cơ quan quản lý cần phải được trang bị kiến thức, cần có hệ thống các quy định pháp luật cụ thể để có thể phát hiện chuyển giá ngay từ khâu nhà đầu tư nộp đơn xin mở nhà máy, kinh doanh.

“Trước khi nộp đơn xin đầu tư người ta đã khai báo như thế nào về các công đoạn đầu tư và chúng ta có kiểm soát được hay không? Tôi nói ví dụ như Coca-Cola hay Pepsico họ khai báo nhập khẩu nguyên liệu cao hơn mấy lần so với thực tế mà ta vẫn chấp nhận thì có nghĩa mình chấp nhận cho người ta chuyển giá ngay từ khi nộp đơn rồi. Thậm chí có chuyển giá từ khi nhập trang thiết bị, ví dụ một doanh nghiệp mua cả nhà máy từ Trung Quốc với giá 2 triệu USD nhưng khi đầu tư vào Việt Nam lại khai báo 200 triệu USD, mình cấp phép cho đầu tư cũng là chấp nhận cho chuyển giá rồi còn gì nữa”, ông nói. 

Theo ông Thành, cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý thuế cần phải xem xét và lưu ý vấn đề chuyển giá ngay từ khi nhà đầu tư nộp đơn đầu tư, về giá nguyên liệu, giá máy móc nhập khẩu có cao hơn so với thị trường nhiều không? Đến khi đầu tư rồi, hàng bán ra rồi cũng có hàng trăm cách nâng giá thành để giảm lợi nhuận xuống, cán bộ ngành thuế cần được trang bị đủ kiến thức về mọi tình huống để đối phó. 

“Mình nói người ta chuyển giá thì phải có các quy định cụ thể về vấn đề này. Câu chuyện Metro chỉ là kinh nghiệm thôi, chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều chiêu trò tinh tế về chuyển giá. Mình chưa đi học nên không biết được tất cả các phương thức chuyển giá như thế nào, bắt đầu từ đâu, dưới hình thức nào, do đó, cán bộ thuế cần phải được đào tạo, được cho sang các nước khác để tham khảo mọi ngõ ngách của chuyển giá thì mới làm được”, ông nói thêm.

 Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”