1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ông lớn chùn chân, dừng tăng vốn "khủng" vì sao?

Thảo Thu

(Dân trí) - Sau 2 năm dịch Covid-19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng thị trường chứng khoán lại không thuận lợi khiến nhiều đơn vị đành ngậm ngùi dừng kế hoạch.

Doanh nghiệp khát vốn nhưng thị giá chứng khoán không ngừng giảm

Hàng loạt "ông lớn" đã phải điều chỉnh, trì hoãn, thậm chí hủy kế hoạch trước diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi.

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán: DIG) mới đây điều chỉnh kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022 xuống còn một nửa. Từ phương án huy động 3.000 tỷ đồng với 100 triệu cổ phiếu mệnh giá 30.000 đồng, công ty điều chỉnh mệnh giá cổ phiếu xuống 15.000 đồng, tương ứng huy động 1.500 tỷ đồng.

Điều này được thể hiện rõ ở thị giá DIG trên sàn chứng khoán. Từ đầu năm, mã này giảm 63% và hiện giao dịch ở mức 31.080 đồng/cổ phiếu.

Ông lớn chùn chân, dừng tăng vốn khủng vì sao? - 1

Thị giá mã DIG đã giảm 63% từ đầu năm (Ảnh: FireAnt).

Nhiều doanh nghiệp khác trong thời gian vừa rồi cũng phải gia hạn thời gian đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm, tạo điều kiện cho cổ đông thu xếp tài chính trong bối cảnh huy động vốn khó khăn.

Có thể kể đến một số cái tên như Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt (mã chứng khoán: TVB), Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (mã chứng khoán: AMV)... Điểm chung của những cổ phiếu doanh nghiệp này là thị giá đều giảm quá nửa từ đầu năm.

Thị trường kém thuận lợi nên đành "quay xe"

Các công ty kể trên dù gặp bối cảnh khó khăn nhưng vẫn chỉ gia hạn hoặc hạ mức huy động, nhiều ông lớn thậm chí phải dừng phương án huy động.

Kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường chứng khoán không thuận lợi là nguyên nhân ban lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán: ASM) đưa ra sau khi hủy phương án phát hành 168 triệu cổ phiếu bằng phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 50% nhằm huy động hơn 2.000 tỷ đồng.

Mã ASM trên sàn chứng khoán cũng giảm hơn 38% từ vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 4.

Ông lớn chùn chân, dừng tăng vốn khủng vì sao? - 2

Năm 2022, chuyện tăng vốn không còn dễ do triển vọng thị trường kém sáng (Ảnh: Hải Long).

Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, mã chứng khoán: CKG) cũng dừng kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 13,4 triệu cổ phiếu để huy động vốn trả các khoản nợ vay và các khoản nợ liên quan đến thi công dự án.

Hay Công ty cổ phần Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) cũng muốn hủy phát hành riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu tổng hơn 54 triệu cổ phiếu, trong bối cảnh trên thị trường, mã TGG xuống vùng đáy 5.420 đồng, "bốc hơi" 70% giá trị so với ngày đầu năm.

Gần nhất, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) cũng thông báo tạm dừng kế hoạch chào bán gần 162 triệu cổ phiếu nhằm huy động 1.700 tỷ đồng. Phương án xử lý với những nhà đầu tư đã đề xuất mua cổ phần chưa được công bố.

Kênh dẫn vốn ảm đạm: Không chỉ có chứng khoán

Thực tế, thị trường chứng khoán là một trong những kênh dẫn vốn lớn của các doanh nghiệp đang niêm yết. Năm vừa rồi, hưởng lợi từ thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp chuyển mình nhanh chóng nhờ tận dụng cơ hội thuận lợi.

Sang năm 2022, chuyện tăng vốn không còn dễ trong bối cảnh triển vọng thị trường kém sáng. VN-Index đã giảm hơn 22% từ đầu năm và thuộc top chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới. Thanh khoản sụt giảm cùng định hướng hạn chế dòng tiền chảy "nóng" vào thị trường, đã tác động trực tiếp tới kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp.

Ông lớn chùn chân, dừng tăng vốn khủng vì sao? - 3

VN-Index đã giảm hơn 22% từ đầu năm (Ảnh: FireAnt).

Việc huy động vốn khó khăn không chỉ diễn ra trên thị trường chứng khoán. Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã phát hành hơn 209.000 tỷ đồng trái phiếu ra thị trường, giảm gần 1/3 so với 8 tháng đầu năm 2021.

Còn trên kênh ngân hàng, tín dụng tăng mạnh từ đầu năm. Tính đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Việc tăng mạnh tín dụng khiến những tháng cuối năm doanh nghiệp khó còn "room" để giải tỏa cơn khát vốn. "Van" tín dụng vừa rồi đã được mở, nhưng các chuyên gia nhận định đợt nới thêm chỉ sử dụng nốt phần còn lại của kế hoạch hạn mức 14%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm