Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, điều tra về 2 vụ án kinh tế nào?

(Dân trí) - Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, làm rõ trách nhiệm liên quan tới vụ PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank và vụ tham ô tại dự án Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.


Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, làm rõ trách nhiệm liên quan tới vụ PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank và vụ tham ô tại dự án Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, làm rõ trách nhiệm liên quan tới vụ PVN “mất trắng” 800 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank và vụ tham ô tại dự án Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Như Dân trí đưa tin, hôm qua (8/12), ông Đinh La Thăng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam. Trước đó, ông cũng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng và các chức vụ về Đảng, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt nam (PVN) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Quốc Khánh đều là nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN.

Cả 2 ông bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Trước đó, hồi tháng 4, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số lãnh đạo cũ của PVN như: ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực, ông Nguyễn Quốc Khánh, ông Nguyễn Xuân Sơn về sai phạm tại hàng loạt dự án của ngành dầu khí, trong đó có sai phạm tại 2 vụ việc trên.

Dân trí từng nhiều lần thông tin về các sai phạm tại các vụ việc trên. Trong đó, đối với dự án nhiệt điện Thái Bình 2, theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, việc chỉ định gói thầu EPC tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…

Nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kết 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Được biết, PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Liên quan tới dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVC, đến thời điểm tháng 6/2016, tổng giá trị hợp đồng tạm tính Tổng công ty đã ký với các nhà thầu phù cho công trình này đã vượt giá trị hợp đồng EPC ký.

Còn vụ việc tại Oceanbank đã khiến nhiều lãnh đạo của PVN và Oceanbank hiện vẫn đang phải hầu toà. Trước đó, vào năm 2008, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 400 tỷ đồng (tương ứng 20% cổ phần) bằng cách chuyển từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản của Oceanbank. Tiếp đó, Oceanbank tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2009 và 4.000 tỷ đồng năm 2011 thì PVN góp thêm tương ứng 300 tỷ đồng và 100 tỷ đồng nhằm giữ được tỉ lệ 20% cổ phần.

Theo tài liệu công bố, đến ngày 31/3/2014, OceanBank nợ xấu gần 15.000 tỷ đồng, trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn 249% vốn chủ sở hữu.

Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại OceanBank với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng tương đương 20% cổ phần của PVN cũng sẽ mất trắng.

Đáng lưu ý, trong thời gian là góp vốn vào Oceanbank, để thực hiện quản lý, giám sát vốn, PVN cử 3 người sang Oceanbank và họ phải báo cáo về theo từng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, tất cả các báo cáo đó không hề có cảnh báo hoặc tín hiệu nguy hiểm về vốn. Ngoài ra, PVN còn thực hiện giám sát ngoài, quá trình này cũng không phát hiện sai phạm nào.

Theo tài liệu cơ quan chức năng, liên quan đến chuỗi “mắt xích” về những sai phạm về kinh tế xảy ra tại OceanBank, gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với hàng loạt cá nhân như ông Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và nhiều cán bộ lãnh đạo khác của Oceanbank về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Phương Dung

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố, điều tra về 2 vụ án kinh tế nào? - 2