Ông Đặng Thành Tâm nói gì mà cổ phiếu KBC được "tranh cướp" chiều nay?

Mai Chi

(Dân trí) - KBC trong phiên chiều 28/7 có lúc áp sát mức giá trần và được nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài mua vào rất mạnh. Trước đó, trong buổi sáng, ông Đặng Thành Tâm công bố một số thông tin đáng chú ý.

Phiên giao dịch 28/7, trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường giảm giá, VN-Index rung lắc mạnh và giằng co quanh ngưỡng tham chiếu thì nhóm bất động sản khu công nghiệp lại tăng giá tích cực.

KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tăng mạnh 4% lên 33.900 đồng. Trong phiên, có thời điểm mã này tăng lên 34.700 đồng, sát mức giá trần 34.850 đồng.

Ông Đặng Thành Tâm nói gì mà cổ phiếu KBC được tranh cướp chiều nay? - 1

Giá cổ phiếu KBC biến động trong vòng 1 tuần trở lại đây (Ảnh chụp màn hình).

Khối lượng khớp lệnh tại mã này đạt 13,1 triệu cổ phiếu. Mã này cũng được khối ngoại mua ròng gần 600 nghìn đơn vị, trong đó mua vào hơn 1,15 triệu cổ phiếu và bán ra 556 nghìn cổ phiếu.

Trước đó, có mặt tại phiên tọa đàm về triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm vừa diễn ra sáng 28/7, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc - cho biết đến thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đánh giá cao cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Ông Đặng Thành Tâm nói gì mà cổ phiếu KBC được tranh cướp chiều nay? - 2

Ông Đặng Thành Tâm chia sẻ tại phiên tọa đàm (Ảnh chụp màn hình).

Cụ thể, cách đây ít hôm vẫn có nhà đầu tư khởi công nhà máy trong khu công nghiệp và còn đặt thêm đất để mở rộng sản xuất kinh doanh. "Các nhà đầu tư lớn vẫn đặt hàng, như ở Hải Phòng, LG vẫn mong muốn Kinh Bắc đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp giai đoạn 3" - ông Tâm thông tin. 

Theo đó, để tận dụng cơ hội và có thể đảm bảo tiêu chí đấu thầu, trong đó có tiêu chí vốn điều lệ, thì Kinh Bắc phải tăng vốn.

Ông Tâm khẳng định, việc tăng vốn sẽ không lo sợ pha loãng nếu lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Lãnh đạo doanh nghiệp này nhận định, năm 2021-2022, lợi nhuận Kinh Bắc sẽ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư và các khu công nghiệp đều có các khu nhà ở công nhân. 

Bình thường, lợi nhuận từ khu công nghiệp không cao vì với chính sách khuyến khích nhà đầu tư sẽ có hạ giá, nhưng nhà đầu tư vào nhiều thì các khu đô thị lân cận phát triển nhanh mạnh và mang lại lợi ích.

Vị doanh nhân này cho biết thêm, nhà máy, xí nghiệp đăng ký nhà ở cho công nhân nhiều, kể cả xây dựng các dự án nhà ở xã hội thì đây vẫn là động lực thu hút FDI. Với các nhà đầu tư FDI, khi có sẵn các khu nhà ở, thì họ quyết định đầu tư nhanh hơn, mang lợi cho cả địa phương, người lao động và khu công nghiệp, vùng xung quanh cũng hưởng lợi tăng giá nhiều. Ngoài ra, nhà ở xã hội vẫn có 20% thương mại, có thể mang lại lợi nhuận tốt.

"Vừa qua ở Hải Phòng, chúng tôi làm khu đô thị, nộp mấy ngàn tỷ tiền sử dụng đất vẫn làm được" - ông Tâm cho hay.

"Năm nay, lợi nhuận Kinh Bắc so với cùng kỳ tăng gấp mấy lần, nên không lo bị pha loãng" - vị này khẳng định. Kinh Bắc vừa phát hành huy động vốn, vừa phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, qua đó đảm bảo quyền lợi cổ đông, tăng sức mạnh doanh nghiệp. 

Cũng theo ông Tâm, phía Kinh Bắc được giao tiếp tục xây khu công nghiệp ở nhiều địa phương như Long An, Hải Phòng với tổng diện tích nhiều nghìn hecta. Nhờ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nên kết nối từ các tỉnh lân cận về vùng trung tâm tiết kiệm thời gian, cao tốc xong tới đâu khu đô thị phát triển đi theo đến đó. 

"Như đợt vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua giá 28.000 đồng/cổ phiếu, không chuyển nhượng trong năm trong khi giá thị trường của KBC giai đoạn đó có giá sàn tầm 30.000 đồng/cổ phiếu. Các khách hàng đi song hành cùng Kinh Bắc nhiều, thì mình phải giữ uy tín, không mất thời gian và làm trật nhịp đầu tư của họ. Đồng thời, việc tiêm vắc xin sớm, đảm bảo khu công nghiệp hoạt động xuyên suốt, họ cũng an tâm hơn" - ông Tâm nói.

Doanh nhân này cho rằng, với chính sách hiện tại hy vọng chỉ trong vài tháng nữa, Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại TPHCM nói riêng, Hà Nội và các tỉnh thành nói chung, các chính sách của Việt Nam sẽ sớm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. 

Nhìn vào các nước đã kiểm soát được dịch bệnh thì tiêu dùng, du lịch, hàng không… tăng lên, thúc đẩy kinh tế trong nước tăng, sản xuất cung ứng tăng.

"Với vai trò nhà sản xuất công nghiệp, chúng tôi vẫn quyết tâm mở rộng, xây dựng khu công nghiệp. Bản thân Kinh Bắc vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng bất động sản khu công nghiệp, đồng thời tham gia vào các dự án bất động sản nhà ở như tại Khu đô thị Tràng Cát - Hải Phòng…" - ông Đặng Thành Tâm cho hay.