Ổn định kinh tế vĩ mô: Liều thuốc hóa giải găm giữ ngoại tệ
(Dân trí) - NHNN đã đưa ra hàng loạt biện pháp để ổn định thị trường ngoại hối, giảm dần tình trạng đôla hóa, hóa giải tâm lý găm giữ ngoại tệ. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để ổn định thị trường ngoại hối, theo các chuyên gia, vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ
Mới đây nhất, ngày 9/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-NHNN điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng tăng thêm 2 điểm phần trăm và sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 5. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng cho tất cả các ngân hàng trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 6% trên tổng số dư tiền gửi; đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác, tỷ lệ này là 5%.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ đối với tất cả các ngân hàng trừ Agribank là 4% trên tổng số dư; còn đối với Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác, tỷ lệ này là 3%.
Những động thái mới này của NHNN được giới chuyên gia đánh giá cao, qua đó sẽ giảm sức hấp dẫn của USD, người dân chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Các biện pháp điều hành này trước đó đã được nhiều chuyên gia đề xuất khi tín dụng ngoại tệ tăng mạnh và lãi suất huy động USD được các ngân hàng đẩy lên quá cao (đến trên 6%/năm) khiến việc hóa giải tình trạng găm giữ USD càng nan giải.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc. Khi lãi suất huy động ngoại tệ giảm, người dân sẽ chuyển sang gửi tiền đồng từ đó giảm tình trạng găm giữ USD, tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Đồng thời các doanh nghiệp cũng giảm vay ngoại tệ do lãi suất cho vay tăng lên.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, khi NHNN nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ lên, người vay và người gửi tiền sẽ quay sang tiền đồng, từ đó làm cho lãi suất huy động tiền đồng giảm.
Còn theo TS. Alan T. Pham – Trưởng Kinh tế gia Công ty cổ phần Chứng khoán Vina, lượng USD chiếm hơn 20% tổng số lượng tiền gửi trong ngân hàng hiện nay là tỷ lệ khá cao. Vấn đề là làm thế nào để người dân không cảm thấy có lợi khi nắm giữ USD. Muốn vậy ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất huy động USD bởi mức lãi suất hiện tại phổ biến trên 5%/năm là quá cao trong khi tại Mỹ chỉ từ 1,5% đến 2%/năm. Chính sự chênh lệch về mức lãi suất này đã khiến nhiều Việt kiều mang USD về VN nhờ người nhà gửi tiền vào ngân hàng, làm cho lượng USD tại ngân hàng tăng lên, khiến cho hiện tượng đôla hóa tăng.
Do vậy, để ngân hàng phải giảm mức lãi suất huy động USD, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên cao sẽ là một biện pháp mạnh bởi ngân hàng thương mại phải mất một số USD gửi vào NHNN, lợi nhuận cho vay hoặc kinh doanh từ USD huy động sẽ giảm đi. Khi lợi nhuận giảm, ngân hàng thương mại sẽ không mặn mà với việc huy động USD nữa nên buộc phải giảm số tiền huy động, tức sẽ phải hạ lãi suất đầu vào. Khi đó, người gửi tiền sẽ buộc phải chuyển từ USD sang tiền đồng để hưởng mức lãi suất cao hơn.
Mấu chốt vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô
Thực tế, những giải pháp trên cần được kết hợp với nhiều biện pháp khác trong kịch bản “Chống đôla hóa nền kinh tế” và cần có thời gian nhất định để đạt hiệu quả. Theo các chuyên gia kinh tế, cung-cầu ngoại tệ vẫn chưa gặp nhau, mà nguyên nhân chính vẫn bởi những bất ổn vĩ mô và kỳ vọng lạm phát cao. Người dân vẫn giữ thói quen tích trữ vàng, USD coi như “vịnh tránh bão” mỗi khi lạm phát cao. Bởi vậy, để ổn định thị trường ngoại hối, vấn đề mấu chốt vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Huỳnh Thế Du – Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, cho rằng, vấn đề của thị trường ngoại tệ hiện nay là việc hóa giải sự chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức. Theo ông Du, cần kéo lạm phát xuống đồng thời kiểm soát chặt nhập siêu để giảm áp lực mất giá của VND. Việc kiềm chế lạm phát chỉ bằng chính sách tiền tệ như hiện nay không ổn mà phải tập trung vào chi tiêu công. Dù chính sách tiền tệ có thắt chặt nhưng chính sách tài khóa vẫn nới lỏng, chi tiêu công vẫn khá thoải mái thì tiền vẫn ra, tổng cầu vì thế khó giảm vì đầu tư chiếm tới 40% GDP, trong đó đầu tư công chiếm 17-18% GDP, còn lại là đầu tư tư nhân và khu vực có vốn nước ngoài. Trong khi đó, đầu tư công thiếu hiệu quả càng tạo sức ép lớn đến lạm phát. Đầu tư gia tăng kéo theo nhu cầu nhập khẩu và nhập siêu lớn.
Do vậy, giải pháp hiện nay là chính sách tiền tệ chỉ cần thắt chặt vừa phải, nhưng phải thắt mạnh chi tiêu công để vốn được phân bổ hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Giảm đầu tư công cũng khiến nhập siêu giảm. Khi lạm phát được khống chế, nhập siêu giảm, thị trường ngoại hối sẽ dần ổn định.
Nếu kiềm chế lạm phát chỉ có chính sách tiền tệ đơn thương độc mã thì hiệu quả khó đạt. Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, để kéo lạm phát về mức trên dưới 10% là việc làm không dễ. TS. Thành cho rằng, cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa (trong đó có đầu tư công) và một số biện pháp khác gắn với việc làm cho tiền đồng trở nên hấp dẫn hơn, giảm áp lực lên thị trường ngoại hối. Ông Thành có nói: “Nếu chính sách tiền tệ cứ thắt chặt mà chính sách tài khóa không thắt chặt tương ứng thì hiệu quả cũng sẽ khó lòng đạt được như kỳ vọng”.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, để thị trường ngoại hối thực sự ổn định, giải pháp tốt nhất là kiềm chế lạm phát, nhập siêu ở mức thấp để giảm áp lực lên tỷ giá. Khi tỷ giá ổn định lâu dài, lòng tin vào đồng nội tệ tăng lên, tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ được giải tỏa, tất yếu nguồn cung sẽ được cải thiện do người dân sẽ đẩy mạnh bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tỷ giá ổn định cũng sẽ khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, chảy vào Việt Nam.
Kim Chi