1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ôm tiền phòng thủ rồi lại "nóng ruột nóng gan" khi chứng khoán bật hồi

Mai Chi

(Dân trí) - Thị trường đi lên trong nghi ngờ một phần vì bên "ôm" cổ phiếu "tiết cung" không đáng kể, do đó, bên mua dễ dàng áp đảo và giúp thị trường tăng điểm.

Phiên hôm nay (29/4), lượng cổ phiếu bắt đáy của phiên 26/4 đã về đến tài khoản của nhà đầu tư. Trái với lo ngại của nhiều người rằng chỉ số sẽ điều chỉnh mạnh do áp lực nguồn cung cổ phiếu T+3 trong bối cảnh thanh khoản xuống thấp, sau nhịp nhúng nhẹ, các chỉ số từ sau 10h đã bật tăng mạnh mẽ và giữ sắc xanh cho đến hết phiên.

Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,81 điểm tương ứng 1,17% lên 1.366,8 điểm trong khi VN30-Index cũng "kéo ATC" và tăng tới 16,43 điểm tương ứng 1,17% lên 1.417,31 điểm. HNX-Index tăng 5,62 điểm tương ứng 1,56% lên 365,83 điểm; UPCoM-Index tăng 1,61 điểm tương ứng 1,57% lên 104,31 điểm.

Ôm tiền phòng thủ rồi lại nóng ruột nóng gan khi chứng khoán bật hồi - 1

Các chỉ số trên thị trường đều tăng mạnh (Ảnh chụp màn hình).

Bức tranh thị trường phiên cuối tháng 4, ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 được phủ một màu xanh với 832 mã tăng giá, 117 mã tăng trần so với 246 mã giảm, chỉ có 13 mã giảm sàn.

Với phiên tăng này, đà hồi phục của thị trường đã đạt được sự đồng thuận của hầu hết nhóm ngành và phân khúc cổ phiếu lớn - nhỏ.

"Ông lớn" VIC của Vingroup sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý I đã bật tăng 2,7% lên 80.000 đồng/cổ phiếu và theo đó đóng góp cho chỉ số chính tới 2,04 điểm. TCB, ACB, MWG, BCM… cũng là những mã có đóng góp tích cực cho VN-Index.

Rổ VN30 có 21 mã tăng, 7 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong đó nhiều mã tăng mạnh như ACB tăng 5,5%; TCB tăng 4%; BVH tăng 3,5%; VRE tăng 3,5%; MWG tăng 2,9%; POW tăng 2,7%.

Dòng ngân hàng khởi sắc. Ngoài ACB và TCB còn có KLB tăng 10,4%; NAB tăng 5,3%; VIB tăng 3,9%; OCB tăng 3,9%; MSB tăng 2%. Ngược lại, CTG, SSB và VCB lại điều chỉnh giảm.

Phần lớn cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đã hồi phục mạnh sau đợt bán tháo vừa qua. BMS tăng 7,6%; APS tăng 7,4%; BSI tăng 5,5%; WSS tăng 5,1%; VCI tăng 5,1%; APG tăng 5,1%; FTS tăng 3,5%; TVB tăng 2,1%; VND tăng 2%.

Dòng phân bón cũng trở lại đường đua sau khi các doanh nghiệp báo lãi lớn. DDV tăng 11,3%; HSI tăng 8,7%; DHB tăng 8,6%; BFC tăng 4,3%; LAS tăng 3,8%. Hai ông lớn DPM và DCM lần lượt tăng 1,5% và 1,7%.

Tương tự cổ phiếu ngành thủy sản sau khi bị cuốn vào vòng xoáy bán tháo trong những phiên vừa qua thì hiện tại cũng đã lấy lại phong độ và tăng mạnh mẽ. ACL, ANV, CMX tăng kịch biên độ trên sàn HoSE và dư mua giá trần; VHC tăng 6,7% lên 104.000 đồng; IDI tăng 5,8%.

Với những chỉ số vĩ mô tích cực trong tháng 4, đặc biệt là ngành xuất nhập khẩu, những cổ phiếu trong lĩnh vực hàng và dịch vụ công nghiệp cũng trở nên "đắt hàng" với trạng thái tăng trần tại HAH, SMA; PVT tăng 4,6%; REE tăng 4,2%; VSC tăng 4%; GEX tăng 3,1%; APH tăng 3%.

Cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu thời gian và qua bị tác động nặng nề bởi tình trạng bán tháo thì đến phiên hôm nay cũng hồi phục tích cực. PHC, PXS, HID, HVX, MCG, TCR, CIG, PXI tăng trần; DPG tăng 6,4%; TTA tăng 5,5%; VGC tăng 2,4%; CII tăng 2,2%.

Đáng chú ý, "họ" cổ phiếu FLC vẫn tăng tiếp, không ít mã tăng trần trong phiên hôm nay. FLC tăng trần lên 8.820 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh đạt 18,6 triệu đơn vị và trắng bên bán; ROS khớp lệnh 9,8 triệu cổ phiếu và dư mua giá trần tới 5,9 triệu đơn vị; AMD, ART cùng tăng trần, HAI tăng 6,3% và KLF cũng tăng 4,1%.

Ôm tiền phòng thủ rồi lại nóng ruột nóng gan khi chứng khoán bật hồi - 2

Thanh khoản bứt tốc trong phiên giao dịch buổi chiều (Ảnh chụp màn hình).

So với phiên 28/4, dòng tiền vào thị trường đã tích cực hơn dù vẫn còn khiêm tốn. Thanh khoản sàn HoSE đạt 18.767,41 tỷ đồng với khối lượng giao dịch là 598,4 triệu đơn vị; HNX có 77,7 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.662,64 tỷ đồng và sàn UPCoM có 70,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 748,68 tỷ đồng.

Với diễn biến thanh khoản sụt giảm mạnh trong những phiên vừa qua cho thấy nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt vẫn chưa sẵn sàng giải ngân mạnh. Có nhiều lý do khiến nhà đầu tư thận trọng, trong đó có thông lệ bán trước kỳ nghỉ lễ dài, hoặc nỗi lo sợ "bẫy tăng giá" (bull-trap) vốn đã lặp lại nhiều lần trước đó. Trớ trêu thay, những phiên chiều thời gian gần đây, chỉ số lại được "kéo" rất mạnh thay vì bị "đạp" sâu.

Thị trường đi lên trong nghi ngờ một phần vì bên "ôm" cổ phiếu "tiết cung" không đáng kể, do đó, bên mua dễ dàng áp đảo và giúp thị trường tăng điểm. Điều này phần nào khiến những người có vị thế tiền mặt cao, đặc biệt là đã bán toàn bộ cổ phiếu ở nhịp giảm vừa rồi, sẽ cảm thấy sốt ruột, đứng ngồi không yên vì đã bỏ lỡ mất cơ hội "vàng" để mua cổ phiếu giá rẻ.