Oan cho gạo dự trữ quốc gia

“Dự trữ quốc gia không ảnh hưởng nhiều đến giá và sản lượng lúa gạo xuất khẩu” - đây là khẳng định của ông Dương Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia (Bộ Tài chính) ngày 8/6.

Oan cho gạo dự trữ quốc gia - 1
Nông dân vui mừng khi được mùa nhưng niềm vui không hẳn trọn vẹn vì nhiều lúc không biết bán cho ai (ảnh: NLĐ).

Ông Trung đã có cuộc trao đổi với báo chí về giá và sản lượng xuất khẩu gạo thời gian vừa qua.

Thưa ông, việc dự trữ lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia có ảnh hưởng đến giá và sản lượng gạo xuất khẩu không?

Về mặt lý thuyết, hoạt động mua và bán lúa gạo phục vụ mục đích dự trữ quốc gia đều tăng cung cầu của mặt hàng này nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng giá chung trên thị trường, nhưng đó là ảnh hưởng tốt.

Vì khi lúa gạo giá thấp, Chính phủ sẽ chỉ đạo Cục Dự trữ mua vào với giá cao bảo đảm cho nông dân có lãi, còn khi giá rất cao, cục sẽ bán ra dưới giá thị trường để kéo giá chung xuống.

Nhiều thông tin cho rằng do số liệu thống kê để tính toán sản lượng dự trữ lương thực đã lạc hậu nên chúng ta đã duy trì lượng dự trữ quá lớn, có thời điểm được giá nhưng không dám xuất khẩu, gây thiệt hại không nhỏ. Ý kiến của ông thế nào?

Oan cho gạo dự trữ quốc gia - 2

Ông Dương Thành Trung.

Có ba loại dự trữ cơ bản, đó là dự trữ trong dân, dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia.

Sản lượng lúa gạo dự trữ trong dân thì Nhà nước không tính toán được. Dự trữ lưu thông do hai tổng công ty thực hiện theo cơ chế riêng, đạt khoảng 1 triệu tấn. Còn dự trữ quốc gia do cục làm có sản lượng không lớn, chỉ sử dụng trong hoàn cảnh cấp bách, khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện chúng ta có khoảng 86 triệu dân nhưng đối tượng quan tâm và có ảnh hưởng đến thị trường chỉ bao gồm lực lượng vũ trang, cán bộ công chức Nhà nước và dân nghèo thành thị.

Cho nên chúng tôi không tính theo con số thống kê là mười mấy kg/người/năm nhân với 86 triệu dân mà hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tượng này. Dự trữ tại cục hiện chỉ đạt gần 4 kg/người/năm và đang phấn đấu nâng lên 5 kg/người/năm.

Vậy theo ông, cơ quan nào chịu trách nhiệm về giá và sản lượng xuất khẩu gạo?

An ninh lương thực do nhiều cơ quan thực hiện, cục chỉ chịu trách nhiệm dân đói thì ứng cứu, hoặc trợ giúp nước bạn gặp khó khăn. Dự trữ quốc gia do Thủ tướng trực tiếp điều hành, sản lượng nhiều hay ít do Quốc hội quyết định.

Nếu không xảy ra tình thế cấp bách, cuối năm Thủ tướng sẽ giao hai tổng công ty mua bán lại hoặc ghép vào đợt xuất khẩu để Cục Dự trữ mua mới. Do đó, ảnh hưởng nhiều đến giá và sản lượng xuất khẩu là dự trữ lưu thông và các cơ quan tham gia thị trường.

Mới đây, Thủ tướng vừa chỉ đạo hai tổng công ty ngay trong năm nay phải tăng diện tích kho dự trữ để bảo đảm dự trữ 1 triệu tấn lúa. Cục chỉ được giao mua thêm 100.000 tấn gạo, như vậy chỉ có thể làm giá gạo tại thị trường nhích lên vài chục đồng/kg.

Giả sử có “lỡ nhịp” thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Trách nhiệm của dự trữ quốc gia là chấp hành.
 

Doanh nghiệp không dám dự trữ

Trong khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam gấp rút sửa đổi cách điều hành xuất khẩu gạo và chấm dứt việc phân bố hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các địa phương thì tại ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp vẫn không dám thu mua lúa gạo để dự trữ.

Lý do, ông Trần Bảo Toàn, Giám đốc doanh nghiệp Thanh Lịch (Đồng Tháp), cho biết giá gạo thu vào chỉ còn 5.100 đồng/kg. Với giá bán này, nông dân không có lời mà thậm chí còn thua lỗ.

Ông Toàn cũng dự đoán giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục giảm nữa do không có doanh nghiệp nào dám mua gạo dự trữ, và cho biết thêm một lý do nữa là năm nay doanh nghiệp của ông chỉ được phép xuất 5.000 tấn gạo, mới đến thời điểm này đã hết chỉ tiêu nên dù có vốn cũng không dám thu mua thêm lúa gạo vì không tìm được đầu ra.

Theo Tô Hà - M.Sơn
Báo Người lao động