Ô tô Việt loay hoay tìm hướng đi hậu Covid - 19
Được hỗ trợ, ô tô sản xuất lắp ráp sẽ không chỉ có thể tăng doanh số ở thị trường trong nước mà còn thêm cơ hội để hướng tới xuất khẩu.
Cùng với việc tăng thêm một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, các sản phẩm ô tô được sản xuất tại Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội gia tăng doanh số, tạo lợi thế với xe nhập khẩu. Hiện nhiều doanh nghiệp đã và tỏ rõ tham vọng xuất khẩu ô tô ra thị trường thế giới.
Thêm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lắp ráp trong nước
Ngay sau thời điểm Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 57 sửa đổi, bổ sung các quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Tinh thần chính của nghị định này là miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành ô tô trong nước giai đoạn 2020 - 2024.
Theo Nghị định này, tiêu chí về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cần đạt để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện đã được hạ thấp nhằm giúp các doanh nghiệp trong ngắn hạn có thể thoát ra khỏi những khó khăn do đại dịch Covid-19. Về lâu dài, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, lắp ráp trong nước thông qua yêu cầu về sản lượng tối thiểu để được hưởng chính sách ưu đãi.
Theo Bộ Tài chính, từ khi chương trình ưu đãi thuế có hiệu lực, đã có 9 doanh nghiệp sản xuất ô tô đủ điều kiện áp dụng ưu đãi (Toyota, Thaco, TC Motor…). Thực tế trong thời gian qua cho thấy chương trình ưu đãi thuế này đã đạt được mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động và duy trì, phát triển được ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã giảm xuống 0%.
Chính sách này cũng đã thu hút được các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư mở rộng sản xuất. Như Công ty Ford đã tăng vốn đầu tư từ 102 triệu USD lên 184 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp. Tương tự Công ty Honda và Công ty Mitshubishi cũng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới và dự kiến vận hành vào quý II/2020.
Với nội dung sửa đổi, bổ sung trên, dự kiến sẽ có thêm 3 công ty sản xuất ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống tại Việt Nam có khả năng đạt điều kiện của chương trình là Ford, Honda, Mitsubishi.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhận định: “Nếu như trước đây, chỉ những doanh nghiệp có sản lượng lớn, nhiều mẫu xe lắp ráp mới có thể hưởng ưu đãi này thì nay với Nghị định 57, doanh nghiệp chỉ sản xuất lắp ráp 1 hoặc 2 mẫu xe cũng có thể nhận được ưu đãi nếu đáp ứng được điều kiện về sản lượng riêng tối thiểu. Những cái tên có thể kể đến như Honda hiện chỉ lắp ráp City tại Việt Nam, hay Mitsubishi là Outlander”.
Dường như nhận thấy có ưu đãi tốt hơn nên một vài hãng xe đã tính đến chuyện chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp trong nước với những mẫu xe có doanh số tốt, được khách hàng ưa chuộng. Có thể kể tới như Honda Việt Nam (HVN) sẽ chuyển CR-V từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp trong nước. Hay như thông tin từ Cục Đăng kiểm, Mitsubishi Xpander, mẫu xe hiện vẫn đang bán ra dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia cũng đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho cả 2 phiên bản số sàn và số tự động sản xuất lắp ráp tại Việt Nam.
Nếu doanh số Honda CR-V và Mitsubishi Xpander lắp ráp có doanh số bán ra tương đương năm trước, HVN và Mitsubishi Motors Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% theo Nghị định 57.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% cho các linh kiện mới sắp tới đã tạo ra sự cân bằng về thuế nhập khẩu giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, chứ chưa phải là ưu đãi cho sản xuất trong nước. Đồng thời xóa bỏ nghịch lý phát triển ngành công nghiệp ô tô trong hơn hai năm qua. Bởi lẽ, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ thị trường các nước ASEAN đã được hưởng thuế suất 0% kể từ đầu 2018 thì trong thời gian qua việc ràng buộc về sản lượng để được áp thuế linh kiện nhập khẩu 0% chẳng khác nào “khuyến khích” doanh nghiệp ô tô nhập xe nguyên chiếc về bán.
Ô tô khởi sắc nhờ được giảm 50% phí trước bạ
Có thể thấy, cơ hội để ô tô sản xuất lắp ráp trong nước phát triển đang rất thuận lợi. Cộng thêm việc loại xe này tới đây còn được giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu đến hết năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ, hứa hẹn nửa cuối năm 2020 sẽ là khoảng thời gian bùng nổ xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Theo chia sẻ từ nhiều đại lý ô tô, kể từ khi Chính phủ có Nghị quyết giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp đăng ký mới, lượng khách đến ký hợp đồng mua ô tô tăng cao.
Giám đốc một đại lý ô tô tại Hà Nội cho hay, sau khi có thông tin C giảm phí trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước, bất chấp thời tiết nóng, khách hàng vẫn tấp nập kéo đến showroom để xem xét, hỏi giá mua xe.
Theo một nhân viên đại lý ô tô khác, bình thường mỗi ngày đại lý chốt được 7 - 8 hợp đồng mua xe thì thời điểm sau khi Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ, số lượng tăng lên hơn 20 hợp đồng được ký trong một ngày. Thế nhưng khách hàng nào cũng hỏi thời điểm chốt giảm mức phí và đặt cọc xe để đấy.
Đại diện VAMA cho biết, việc giảm 50% phí trước bạ tương đương với việc giảm 5% giá ô tô đồng thời sẽ giúp thị trường tăng khoảng từ 8 – 10% doanh số so với phương án nếu lệ phí trước bạ không giảm. “Nếu Nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ sớm được ban hành và có hiệu lực, tuy thị trường tăng nhưng vẫn sụt giảm so với năm ngoái khoảng từ 20 – 25%. Còn theo phương án nếu lệ phí trước bạ không giảm, doanh số thị trường sụt giảm so với năm ngoái từ 28 – 35%”, đại diện VAMA chia sẻ thêm.
Ngoài những hiệu ứng tích cực từ thông tin giảm phí trước bạ, hiện nhiều hãng xe tại Việt Nam cũng đã tung ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá nhằm kích thích nhu cầu mua ô tô sau một thời gian thị trường bị đóng băng do đại dịch Covid-19. Giá xe rẻ cùng với việc được giảm 50% phí trước bạ hứa hẹn sẽ giúp các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước gia tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu, tạo ra động lực mới trong việc đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam.
Ô tô Việt tìm đường xuất khẩu
Hiện nay tại Việt Nam, mới chỉ có Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm xe bus, xe ô tô du lịch đi các nước như: Philippines (xe bus), Thái Lan (Kia Grand Carnival) và Myanmar (Kia Cerato). Theo Thaco, năm 2020 có kế hoạch xuất khẩu hơn 1.000 xe Kia sang các thị trường hiện hữu: Myanmar, Thái Lan và mở rộng sang Malaysia. Để thực hiện mục tiêu này, Thaco đang tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu riêng biệt của các đối tác, đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của nước nhập khẩu, đồng thời gia tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện.
Không chỉ dừng lại thị trường khu vực, vừa qua, Thaco cũng đã xuất khẩu sơ-mi rơ-moóc sang Mỹ. Sản phẩm sơ-mi rơ-moóc của Thaco cũng đã đến được với nhiều thị trường như Columbia, Hàn Quốc, Mỹ. Kế hoạch sắp tới, Thaco sẽ bàn giao 33 sơ-mi rơ-moóc cho đối tác PITTS Enterprises vào tháng 6 và tiếp tục thực hiện cam kết sản lượng đã được hai bên ký kết trong năm 2020. Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc và các nước ASEAN.
Nối tiếp Thaco, hãng ô tô Việt VinFast cũng tỏ rõ tham vọng muốn xuất khẩu ô tô sang Mỹ. Đây vốn nổi tiếng là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nên nếu thương vụ này thành công chắc chắn những mẫu ô tô Việt sẽ gây được tiếng vang trên thị trường quốc tế và là động lực để các hãng xe khác tự tin tìm đầu ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tới.
Đáng chú ý, mẫu xe VinFast tham vọng xuất khẩu không chỉ là các sản phẩm đã tạo được dấu ấn tại Việt Nam như: Fadil, Lux A hay Lux SA mà là xe ô tô điện hoàn toàn mới. Báo Mỹ và truyền thông Việt Nam đưa tin ô tô điện VinFast sẽ ra mắt tại Triển lãm ô tô Los Angeles vào tháng 11/2020. Đến tháng 1/2021 sẽ mang xe đi test trên thế giới và tháng 7/2021 sẽ sản xuất hàng loạt.
Theo Cẩm Tú
Giao thông