1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giảm 50% phí trước bạ ô tô, hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt!

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu thiệt hại do Covid-19 sắp ban hành gồm giảm 50% phí trước bạ ô tô, DN nhỏ và vừa, DN bị tổn thương đặc biệt…

Sáng nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu quan điểm: “DN nhỏ và vừa là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong đất nước này nên hỗ trợ là hỗ trợ người lao động. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ cho an sinh chứ không phải chỉ nền kinh tế. Khu vực DN vừa và nhỏ rất nhạy cảm dễ bị đóng cửa, nhưng khôi phục và mở rộng quy mô nhanh”.  

Theo ông Lộc, vì lí do ngân sách hạn hẹp nên không thể hỗ trợ cho toàn bộ đối tượng doanh nghiệp thì ít nhất cũng hỗ trợ cho toàn bộ DN nhỏ. Hãy hỗ trợ đúng đối tượng DN nhỏ theo quy định trong Luật.

Giảm 50% phí trước bạ ô tô, hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt! - 1
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng không nên chỉ hỗ trợ cho đối tượng DN nhỏ mà mở rộng ra quy mô hỗ trợ cả DN vừa và DN nhỏ. “DN vừa và nhỏ đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là nhóm đối tượng thiếu nguồn lực, khoa học công nghệ, yếu về năng lực quản lý, khả năng tiếp cận tín dụng rất kém so với DN lớn…” - ông Hùng lý giải.

Nam đại biểu đoàn Cao Bằng đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật khác liên quan để sớm đưa Luật DN vừa và nhỏ vào cuộc sống.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu việc quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và đóng bảo hiểm xã hội dưới 100 lao động là khá mơ hồ.

“Lẽ ra DN có doanh thu thực là 55 tỷ đồng, thậm chí 60 tỷ đồng nhưng họ sẽ cố gắng lách để khai chỉ dưới 50 tỷ đồng thôi, thậm chí là 49,9 tỷ đồng để được hưởng chính sách. Tôi  nghĩ là nên xác định rõ ràng toàn bộ DN nhỏ là được áp dụng giảm hết” - vị đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết  là một trong các giải pháp tài khóa Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong tình hình hiện nay.

Về đối tượng, cơ quan soạn thảo cơ bản tiếp thu và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có báo cáo Quốc hội. Về tiêu chí, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải chọn các tiêu chí để khi tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh những rủi ro.

Giảm 50% phí trước bạ ô tô, hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt! - 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin: Vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Về cắt giảm phí, lệ phí, đến nay Bộ Tài chính đã ban hành 18 thông tư, giảm các loại phí, lệ phí. Nhiều loại phí, lệ phí đã được giảm rất sâu, trong đó có lĩnh vực hàng không. Đặc biệt, giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cho nên trong thời gian vừa qua đã có tác động rất lớn, góp phần ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, các chính sách như giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Về giảm chi phí cho DN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa một số nghị định để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, da giày, dệt may.

Ngoài ra, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ quyết định giảm 50 % lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Các chính sách thuế này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt như hàng không.

Đây là một trong các giải pháp, còn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa.

“Theo quy định, các doanh nghiệp đã tự tính, tự khai, tự nộp. Tinh thần của Nghị định này cũng như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chúng tôi phải tăng cường quản lý rủi ro, trường hợp cần thiết vẫn phải thanh tra, kiểm tra” - Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh. 

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm