Đối thoại chuyên gia Việt - Nhật:

Ô tô Việt chỉ là lắp ráp, có cần thêm ưu đãi?

(Dân trí) - Khi bàn về các cách hỗ trợ của phía Nhật Bản cho Việt Nam, các chuyên gia đánh giá rất cao sự giúp đỡ của Nhật Bản nhưng cũng bày tỏ nhiều hạn chế trong hiệu quả hợp tác những ngành then chốt, được thụ hưởng chính sách lớn, tiêu biểu là ngành ô tô

Tại Diễn đàn Tăng cường hợp tác công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản hướng tới thực hiện hiệu quả Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tổ chức sáng nay (3/3) tại Hà Nội, TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong hợp tác công nghiệp và xây dựng, Nhật Bản hỗ trợ rất tốt cho Việt Nam. Tuy nhiên, một số ngành thì hợp tác của hai nước không thành công, trong đó tiêu biểu là ngành ô tô.

TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, Viện CIEM
TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, Viện CIEM

Việt Nam không được xem là tâm điểm ngành ô tô của Nhật?

Chính vì vậy, ông Thành cho hay, trong thời gian tới khi RCEP được thực hiện, Việt Nhật nên lấy hợp tác trong phát triển ngành ô tô để làm kinh nghiệm và rút ra bài học.

Ông Thành đánh giá: Hợp tác giữa Việt - Nhật rất thành công trong công nghiệp xe máy nhưng đối với ôtô thì lại thất bại. "Nguyên nhân có cả từ phía Việt Nam như chính sách sai lầm ngay từ khi ra đời lẫn từ phía Nhật Bản là không coi thị trường Việt Nam là trọng tâm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hạn chế", ông Thành nói.

Tuy nhiên, đối với ngành ô tô, các chuyên gia Nhật Bản vẫn tin rằng Việt Nam có nhiều triển vọng và cơ hội khi RCEP đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Ông Hiraki Yashro, Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho hay, các DN Nhật Bản vẫn có niềm tin nếu Việt Nam có chính sách phù hợp, tiếp tục cùng với Nhật Bản hỗ trợ ngành ô tô phát triển, ngành này sẽ trụ vững, phát triển trong thời gian tới.

Ông Hiraki Yashro nêu thực tế: "Cách đây 40 năm, khi ô tô Nhật vào Thái Lan, thương hiệu đầu tiên là Daihatsu. Ở Thái Lan, thị trường ô tô chỉ 300.000 ô tô, không có ai có thể dự báo thị trường ô tô Thái Lan có thể dự báo 1 triệu ô tô và hiện nay là khoảng 2 triệu ô tô. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, Thái Lan đã đưa ra chính sách hỗ trợ của các DN liên doanh để phát triển như hiện nay".

Ông này kiến nghị: "JICA kiến nghị Chính phủ Việt Nam có thêm cơ chế tốt hơn về thuế, chính sách đặc thù để giảm khấu hao nhà máy hoặc xây dựng hạ tầng, chi phí cho DN phụ trợ để họ phát triển tốt hơn trong thời gian tới".

Đánh giá về ngành công nghiệp ô tô, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thừa nhận sự thất bại này do cả hai phía chính sách từ Việt Nam và từ các DN Nhật Bản. Bà Lan kể: "Cách đây khá lâu, khi tôi dự hội nghị ở Băng Cốc (Thái Lan), các DN Nhật có ý định chuyển dây chuyền sản xuất xe ô tô cũ từ Thái sang Việt Nam để xây dựng dây chuyền sản xuất xe Hybrid tại Thái Lan. Tuy nhiên, tôi đã không thuyết phục được Chính phủ và không thấy các cơ quan của Việt Nam tận dụng được điều này. Cơ hội đã mất".

Chuyên gia Lan cũng chỉ ra sự thiếu chủ động của DN Nhật Bản tại Việt Nam, đây được xem là một nguyên nhân dẫn đến hợp tác trong ngành ô tô không thành công. Bà Lan cho hay: "Hiện các dòng ô tô trên thế giới đang thay đổi nhanh, sản phẩm và công nghệ mới ra đời nhiều loại xe mới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn là chủng loại xe cũ, thế hệ cũ. Vì vậy nếu tiếp tục ưu đãi thì 15 năm hoặc 20 năm nữa, khi xã hội phát triển thì các loại xe này có còn phù hợp với Việt Nam hay không và xuất đi đâu được?"

"Các DN Nhật Bản tại Việt Nam đã và sẽ làm gì trước thay đổi chóng mặt của ngành ô tô. Nếu các liên doanh vẫn như hiện nay, chúng tôi có nên tiếp tục có chính sách ưu đãi với các DN phát triển ô tô hay không?", bà Lan đặt câu hỏi cho các doanh nghiệp Nhật.

Cần thêm ưu đãi để có ô tô thương hiệu Việt Nam?

Về vấn đề ưu đãi cho DN ô tô Nhật Bản tại Việt Nam, GS Fukunari Kimura, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á của Nhật Bản đề xuất Việt Nam tiếp tục ưu đãi bởi đây là ngành đặc thù và nền công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ.

"Chúng tôi khuyến nghị nếu Việt Nam kiên trì theo đuổi xây dựng ngành ô tô, nên có những chính sách phù hợp với thị trường và tạo dư địa cho các DN ô tô trong nước và cả nước ngoài phát triển. Việt Nam cần có ưu đãi cụ thể, đặc thù cho các DN sản xuất ô tô, trong đó đặc biệt là DN làm phụ trợ", GS Kimura nói.

Vị GS người Nhật nói thêm: Công nghiệp ô tô rất rủi ro và chi phí lớn do đó các hãng đều phải tuân thủ theo quy luật thị trường. Ngành công nghiệp ô tô có sự tích tụ lớn về quy mô và công nghệ, kỹ thuật, vì vậy nên cần thời gian và cần có chính sách đặc thù để các DN Nhật Bản tự tin khi ở Việt Nam

Về vấn đề này, chuyên gia Võ Trí Thành phản biện "Từ giữa thập kỷ 90, khi định phát triển ngành ô tô nhưng chính sách sai lầm dẫn đến chúng tôi phải trả giá. Qua nhiều năm như vậy, các liên doanh vẫn muốn chúng tôi ưu đãi, vì vậy vấn đề là ngành này ở Việt Nam có phải do chính sách hay không? Nếu tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô như hiện nay, ưu đãi thêm chính sách có phải quá muộn hay không?",

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho biết: "Cách đây 2 năm, khi Toyota ra điều kiện 2 tỷ USD để ở lại Việt Nam, tôi đặt câu hỏi là đó có phải là cái giá quá đắt cho DN này ở lại hay không khi sản xuất cơ bản của họ vẫn chỉ là lắp ráp chứ không phải là sản phẩm được chế tạo tại Việt Nam thực thụ? Bởi không thấy các DN Nhật Bản chuyển giao gì cho Việt Nam.

"Tôi tự hỏi, nếu như ưu đãi 2 tỷ USD cho Toyota thì sao lại không có 1 tỷ USD dành cho các DN nội địa của Việt Nam để họ sản xuất được linh phụ kiện, tham gia chuỗi giá trị hoặc cho DN ô tô khác phát triển. Sao lại hỗ trợ khi các DN liên doanh mang phụ kiện của Thái Lan, Malaysia sang lắp ở Việt Nam", bà Lan bày tỏ quan điểm.

Vị chuyên gia này cho rằng: "Sai lầm của ngành ô tô Việt Nam từ đầu là chiến lược, sau đó là cách thức thực hiện ưu đãi. Việt Nam chỉ thích cái bề ngoài là xe "made in Vietnam" trong khi chỉ có lắp ráp chứ không có gì hơn".

Nguyễn Tuyền