1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ô tô Trường Hải báo lãi tăng 400% sau khi xin gia hạn thuế

(Dân trí) - Mặc dù xin gia hạn nộp thuế 1.200 tỷ đồng, quan ngại “sẽ có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm” nhưng trong quý II, Trường Hải vẫn báo lãi khủng, đưa tổng lãi nửa đầu năm vượt thực hiện của cả năm 2012 tới 147,3%.

Trường Hải đã khuấy lên phong trào xin gia hạn thuế ở các doanh nghiệp cùng ngành.
Trường Hải đã khuấy lên "phong trào" xin gia hạn thuế ở các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo báo cáo tài chính quý II/2013 của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, khép lại 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp gặt doanh thu 6.255,6 tỷ đồng, bằng 55% thực hiện 2012. Trong đó, riêng doanh thu quý II đã đạt 3.459,7 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Mặc dù trong quý II, các chỉ tiêu như giá vốn hàng bán tăng mạnh 20,7%; chi phí tài chính tăng 4,3%; chi phí bán hàng tăng 11,4%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 21,5% so với cùng kỳ, song tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Trường Hải vẫn tăng 374% so với quý II/2012 và tăng 170% so với kết quả quý I/2013, đạt gần 275 tỷ đồng.

Phần chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được ghi nhận gần 7,8 tỷ đồng và không có chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (phần này trong quý I là 817,6 triệu đồng).

Kết quả, Trường Hải báo lãi quý II mức 267,2 tỷ đồng, tăng 394% so với cùng kỳ, đưa tổng lãi nửa đầu năm lên 361,4 tỷ đồng, vượt thực hiện của cả năm 2012 tới 147,3%.

Ngoài ra, trong kỳ kế toán, một số chỉ tiêu tài chính quan trọng khác của Trường Hải đều khả quan. Hàng tồn kho giảm 12,4%; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 25,5% so thời điểm đầu năm. Chi phí lãi vay cũng giảm 22,8%. Tổng tài sản tăng 36% so với cuối quý I.

Mới đây, Trường Hải cũng đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị, thông qua chi 2,88 tỷ đồng thù lao cho Hội đồng quản trị. Mức lương Chủ tịch là 50 triệu đồng/tháng, lương Phó Chủ tịch 40 triệu đồng/tháng và lương cho Thành viên HĐQT là 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty cũng chi 1,08 tỷ đồng cho thù lao Ban Kiểm soát với mức lương Trưởng Ban 40 triệu đồng/tháng và Thành viên BKS 25 triệu đồng/tháng.

Trước đó, Trường Hải đã trình Chính phủ xin phép cho 4 công ty thành viên được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong 1 năm với số tiền khoảng 1.214 tỷ đồng kể từ 1/7/2012 đến 30/6/2014.

Bốn doanh nghiệp này gồm Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô tải Chu Lai – Trường Hải; Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô khách Trường Hải, Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải – Kia và Công ty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô Vina-Mazda.

Theo trình bày, các doanh nghiệp này còn tồn kho lượng hàng trị giá hơn 3.300 tỷ đồng và đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.600 tỷ đồng. 

Còn phía tỉnh Quảng Nam tỏ ra lo ngại, là doanh nghiệp ô tô non trẻ, với tình hình sản xuất cầm chừng, nếu không đầu tư phát triển, tiếp cận công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh chạy đua cho kịp lô trình hội nhập AFTA thì Trường Hải “sẽ có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm”.

Được biết, Bộ Tài chính đã chấp thuận đề nghị gia hạn nộp 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu của Trường Hải và chính thức có văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Sau Trường Hải, một loạt các doanh nghiệp cũng ngành khác cũng đã đồng loạt rộ lên phong trao làm đơn gửi Thủ tướng xin gia hạn thuế. Ít nhất có 6 doanh nghiệp đứng đơn là CTCP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, CTCP Tập đoàn Thành Công, CTCP ô tô TMT, Công ty TNHH Hoàng Trà, Công ty TNHH ô tô Đông Phương, và mới nhất là VEAM (Nhà máy ô tô thuộc Tcty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam). 

Mai Chi