1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Ô nhiễm văn hóa mặc” trong quảng cáo gây phản cảm

(Dân trí) - “Trong nhiều chương trình quảng cáo, diễn viên ăn mặc rất phản cảm mà theo ý kiến của cử tri là ô nhiễm văn hóa mặc hoặc có những cử chỉ gây tác động xấu đến giáo dục trẻ em…”, đại biểu Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) nêu ý kiến.

Hôm nay 30/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quảng cáo. Về cơ bản, các đại biểu tán thành với dự thảo Luật quảng cáo được trình trong kỳ họp này và thấy cần thiết việc phải ban hành Luật.
 
“Ô nhiễm văn hóa mặc” trong quảng cáo gây phản cảm - 1
|
Bộ ảnh quảng cáo nước tăng lực bị đánh giá là phản cảm

Tuy nhiên, theo băn khoăn của đại biểu Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ), chúng ta dự kiến giao quản lý Nhà nước về quảng cáo cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch với lý do là đỡ xáo trộn bộ máy. Do đó, với mục tiêu ban hành luật là điều chỉnh hoạt động quảng cáo một cách đồng bộ, thống nhất, chúng ta cần hướng tới như thế nào?

Vị đại biểu này chỉ ra rằng, trong thực tế công tác quản lý hoạt động quảng cáo hiện nay cho thấy, hơn 80% thị phần quảng cáo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử thuộc trách nhiệm quản lý của ngành thông tin và truyền thông.

“Qua các cuộc tiếp xúc cử tri có rất nhiều ý kiến phản ánh đối với các chương trình trên báo đài, trong đó có chương trình quảng cáo, nhiều diễn viên trong các chương trình ăn mặc rất phản cảm mà theo ý kiến của cử tri là ô nhiễm văn hóa mặc hoặc có những cử chỉ gây tác động xấu đến giáo dục trẻ em. Cụ thể như trong một chương trình quảng cáo sữa, cô giáo cười cợt một học trò của mình vì quá gầy nên bị tụt trang phục khi lên bảng”, đại biểu Thắm phản ánh.

Do đó, vị đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ các tiêu chí để xác định vi phạm hoặc đưa các tiêu chí xác định này vào văn bản hướng dẫn thi hành luật để việc xử lý vi phạm kịp thời, đồng bộ và khách quan.

“Ô nhiễm văn hóa mặc” trong quảng cáo gây phản cảm - 2

Đại biểu thảo luận tại hội trường (Ảnh: Việt Hưng).

Đồng tình với ý kiến phải chú ý đến tiêu chí quảng cáo cho trẻ em, đại biểu Lê Hữu Phước (Bình Dương) cho rằng: Dự thảo lần trước quy định cấm các sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em theo quy định của pháp luật về y tế. Tuy nhiên, trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã bỏ nội dung trên. Bởi theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là do Nghị định số 21 năm 2006 của Chính phủ chỉ cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

“Để khẳng định pháp luật Việt Nam quan tâm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nên đưa nội dung cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi vào sản phẩm cấm quảng cáo trong Luật quảng cáo để luật hóa việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Trước đây, mặc dù đã có Nghị định của Chính phủ nhưng việc quảng cáo sữa vẫn còn tràn lan, gây ngộ nhận trong việc sử dụng sữa, ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ em”, đại biểu Lê Hữu Phước gợi ý.

Còn đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) đề nghị thêm một khoản là cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi vì lý do: "Sữa mẹ được khẳng định là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ". Vị đại biểu này nêu dẫn chứng, các nghiên cứu cho thấy việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú ít nhất đến 2 năm tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho trẻ nhỏ và người mẹ, lợi ích về kinh tế cho gia đình và xã hội. Tiêu chuẩn quốc tế đã chỉ ra rằng trẻ em cần được duy trì bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc hơn.

Theo đại biểu Phương, Điều 6 Nghị định 21 năm 2006 của Chính phủ quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Điều này khiến cho các công ty sữa lợi dụng bằng cách quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ từ 12 đến 36 tháng tuổi nhưng có nhãn hiệu giống y hệt và tính năng tương tự sản phẩm sữa dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc gián tiếp cho phép quảng cáo sữa từ 12 đến 24 tháng tuổi. “Quy định này làm hạn chế việc trẻ nhỏ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến trước 2 năm tuổi”, bà Phương nhấn mạnh.

Về nội dung cấm quảng cáo, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) đề nghị bổ sung quy định cấm quảng cáo trên bìa tập vở học sinh. Hiện nay nhiều cơ sở đã quảng cáo trên bìa tập vở học sinh gây ra sự băn khoăn rất lớn cho phụ huynh. Do đó, theo vị đại biểu này, Luật cấm quảng cáo trên bìa tập học sinh để tránh làm các em phân tâm trong quá trình học tập…

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm