Ô nhiễm và tắc đường khiến Việt Nam khó "giữ chân" chuyên gia quốc tế

(Dân trí) - Chất lượng không khí đang trở thành một mối lo lớn cho nhiều gia đình sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn tại Việt Nam. Nếu thực trạng này còn tiếp diễn sẽ dẫn tới nhiều khó khăn trong việc thu hút chuyên gia nước ngoài cùng gia đình họ sang lao động, học tập tại Việt Nam.

Đây là cảnh báo của các doanh nghiệp (DN) trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) kiến nghị lên Bộ KH&ĐT, Chính phủ và VCCI tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây.

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang dấy lên lo ngại của giới doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài (ảnh minh hoạ)
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang dấy lên lo ngại của giới doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài (ảnh minh hoạ)

Theo đó, các DN Anh cho rằng dù số vốn của Anh tại Việt Nam thời gian qua không nhiều những lượng vốn đang được dịch chuyển nhanh do Việt Nam ngày càng gia nhập sâu vào liên kết toàn cầu, số DN quan tâm đến thị trường Việt Nam ngày càng lớn thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng như các đối tác đầu tư khác, để xâm nhập thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ phải xâm nhập dần bằng việc của các chuyên gia, lập văn phòng đại diện, lập cơ sở lưu trú hoặc đại lý độc quyền.

Nhưng thực tế thời gian gần đây, nhiều DN phản ánh tình trạng ô nhiễm chất lượng không khí đang trở thành một mối lo lớn cho nhiều gia đình sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn tại Việt Nam.

Nếu thực trạng này còn tiếp diễn sẽ dẫn tới nhiều khó khăn trong việc thu hút chuyên gia nước ngoài cùng gia đình họ sang lao động, học tập tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông sẽ có chiều hướng nghiêm trọng hơn so với trước khi được cải thiện bởi hệ thống tàu điện ngầm. Do đó khi số dân đô thị đang tăng nhanh, lượng phương tiện cá nhân tăng đột biến, lưu lượng di chuyển giao thông tăng sẽ rất khó có thể tìm được một giải pháp giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tổn hại về quỹ thời gian và tiền bạc của xã hội.

Các DN Anh mong đợi Việt Nam sớm ưu tiên giải quyết vấn đề giao thông bằng các bài toán quy hoạch đô thị, giãn dân trung tâm, xây dựng các khu, cụm đô thị vệ tinh, đô thị trong đô thị để giảm mức xung đột giao thông lớn đặc trưng của các nước châu Á và Đông Nam Á.

Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường và giao thông, nhóm DN Anh Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam nới thêm thời gian lưu trú của khách du lịch, doanh nhân và lao động tại Việt Nam, đồng thời có chính sách thị thực tốt, tiến tới kéo dài thời gian miễn thị thực hoặc không cần thị thực giữa hai nước khi quan hệ thương mại phát triển mạnh mẽ.

Về thị thực, chính sách hỗ trợ thị thực được nhận định không chỉ quan trọng đối với du lịch mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh doanh. Các DN Anh đồng tình với việc áp dụng chính sách miễn thị thực 15 ngày đối với công dân Anh với thời gian triển khai kéo dài đến tháng 6 năm 2017.

"Chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đồng thời hỗ trợ, khuyến khích DN trong việc phát triển hợp tác với các công ty Việt Nam. Thêm vào đó, chúng tôi đề nghị thời gian được quay trở lại là trong vòng 30 ngày và quy trình này được diễn giải một cách rõ ràng", nhóm DN Anh kiến nghị.

Nếu chính sách miễn thị thực được tiếp tục sau tháng 6/2017 thì cần được thông báo sớm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh một các hiệu quả từ các công ty trong nước.

Ngoài ra, hiện Việt Nam có chính sách cung cấp thẻ tạm trú 2 năm cho lao động nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây một số cá nhân đã được cấp thẻ tạm trú 3 và 5 năm. Nhóm DN Anh đề nghị cần phổ biến chính sách này một cách để các DN được biết và được tận hưởng.

Nguyễn Tuyền