Ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, ngân hàng đang thừa tiền?
(Dân trí) - Các ngân hàng ồ ạt công bố kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn, giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng tăng mua trái phiếu trước hạn
VietinBank mới đây thông báo việc hoàn tất mua lại trước hạn 800 tỷ đồng trái phiếu. Trái phiếu được mua lại có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn là 10 năm, ngày phát hành 13/6/2018 và ngày đáo hạn 13/6/2028. Như vậy, nhà băng này mua lại trái phiếu trước hạn tới 4 năm.
Agribank cũng công bố sẽ thực hiện mua lại trước hạn 3 tỷ đồng trái phiếu. Người sở hữu trái phiếu có nghĩa vụ bán lại toàn bộ trái phiếu của mình cho Agribank, khi đó trái phiếu sẽ bị hủy bỏ và các giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu liên quan tới các trái phiếu sẽ tự động hết hiệu lực thi hành.
Một nhà băng khác trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là BIDV cũng công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn có giá trị 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu được mua lại có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm, ngày phát hành 15/6/2021 và ngày đáo hạn là 15/6/2028.
Các nhà băng tư nhân cũng ồ ạt mua lại trước phiếu trước hạn. ACB mới đây công bố nghị quyết về việc mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu phát hành riêng lẻ năm 2021. 4 lô trái phiếu được mua lại có tổng mệnh giá tối đa 10.000 tỷ đồng.
HDBank vừa rồi cũng đã mua lại 1.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 11/6/2021 với thời hạn 7 năm, nhằm tăng nguồn vốn cấp 2 dài hạn, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của HDBank.
MSB thông báo đã thực hiện mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng mã trái phiếu MSBL2124003 được phát hành ngày 7/6/2021 và đáo hạn ngày 7/6/2024.
BVBank cũng chi tiền ra mua lại toàn bộ 250 tỷ đồng trái phiếu của 2 mã được phát hành tháng 3/2022 và đáo hạn vào tháng 3/2029.
Hay Techcombank tháng trước cũng đã tiến hành mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 12/5/2022 với thời hạn 3 năm, ngày đáo hạn 12/5/2025. Đây là lần đầu tiên Techcombank mua lại trái phiếu trước hạn trong năm 2023.
VPBank cũng công bố đã mua lại trước hạn 400 tỷ đồng trái phiếu phát hành vào 12/5/2021, có kỳ hạn 3 năm, sẽ đáo hạn vào 12/5/2024.
OCB cũng mua lại trước hạn 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành vào 10/5/2021 và có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 10/5/2024. Trước đó, ngày 5/5, OCB cũng thực hiện mua lại 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành tháng 5/2022 và đáo hạn vào tháng 5/2025.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 22.789 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm tới 65% giá trị mua lại.
Từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 76.500 tỷ đồng, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2022. Còn nếu tính đến ngày 9/6, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 78.984 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 phát hành bởi FiinGroup - đơn vị cung cấp dịch vụ về dữ liệu - cũng cho thấy nhóm ngân hàng chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại tại thời điểm tháng 4.
Trong phần còn lại của năm 2023, VBMA cho biết tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 187.311 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 96.820 tỷ đồng, chiếm 51,7%, theo sau là nhóm ngân hàng với 31.661, chiếm 16,9%.
Ngân hàng thừa tiền?
Việc các ngân hàng ồ ạt mua lại trái phiếu, trùng với diễn biến huy động tiền từ dân cư vẫn tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm nhưng tín dụng lại tăng chậm, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.
"Thừa tiền" cũng là từ được nhắc đến khi nói về thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây. Các ngân hàng thương mại đang dư thừa tiền mặt, biểu hiện thấy rõ là hàng loạt lãi suất đồng loạt giảm, không chỉ lãi suất huy động tiền gửi mà còn ở lãi suất liên ngân hàng. Từ đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm khoảng 1,5-2 điểm %, lãi suất liên ngân hàng cũng giảm tới một nửa so với cách đây một tháng, giúp các nhà băng có thể huy động vốn với giá rẻ.
Việc giải ngân vốn đầu ra thấp, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn ì ạch, mua lại trái phiếu dường như là một trong những cách giải quyết vấn đề này. Việc này phần nào làm giảm mức độ thừa vốn.
Chưa kể, việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ các nhà băng. Các nhà băng có thể duy trì hệ số an toàn vốn ở mức cao, đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Theo quy định hiện hành, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 - chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên - sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.
Như vậy, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp không phải khấu trừ mệnh giá, đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm. Điều này tăng giá trị được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng nhiều hơn.
Chưa kể, theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 24/4 đến 31/12, các ngân hàng được phép mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng…
Các ngân hàng cũng có thể tự mua lại trái phiếu của chính mình đã phát hành nếu đảm bảo đủ điều kiện và thỏa thuận được với trái chủ, hoặc trong quy định phát hành trước đây có kèm điều khoản được mua lại. Theo các chuyên gia, Thông tư góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu, cũng giúp các ngân hàng có cơ sở để mua lại trái phiếu nhiều hơn.