Đắk Nông:

Nuôi dê cho ăn lá thừa, vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm

Đặng Dương

(Dân trí) - Vợ chồng bà Hà nuôi dê với mục đích ban đầu là để tiêu thụ lá cây thừa trong vườn. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn có sẵn, ông bà bỏ túi nửa tỷ đồng mỗi năm từ phân dê và bán con giống.

Trang trại của bà Nguyễn Thị Lệ Hà nằm tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông. Đây là trang trại có với diện tích gần 20 ha trồng hồ tiêu và cây ăn trái theo chuẩn quốc tế.

Nuôi dê cho ăn lá thừa, vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 1
Trang trại nuôi dê thuộc các điểm đến của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Đặc biệt, trang trại của bà Hà là một trong những điểm đến thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông vừa được UNESCO công nhận, với mô hình nuôi dê theo hình thức hữu cơ. Mô hình này giúp vợ chồng bà Hà thu nhập khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm.

Nuôi dê cho ăn lá thừa, vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 2

Ban đầu, mục đích nuôi dê của bà Hà chỉ là để tiêu thụ số lá cây thừa.

Bà Hà và chồng vốn là cán bộ hưu trí. Sau nhiều năm làm việc tại Bình Thuận, cuối năm 2015, cả hai lên Đắk Nông để làm nông nghiệp.

Mục đích ban đầu là sản xuất hồ tiêu sạch nên bà Hà chọn mua một khu đất nằm trên sườn núi, cách xa trung tâm của TP. Gia Nghĩa. Sau khi cải tạo vùng đất hoang hóa, gia đình bà Hà hạ trụ sống từ cây keo, cây muồng để trồng hồ tiêu.

Theo bà Hà, năm 2015 giá hồ tiêu đang ở đỉnh cao, khoảng 200.000 đồng/kg, nếu sản xuất theo cách mà người dân địa phương thì sẽ rất nhanh có thu hoạch. Tuy nhiên, xác định sản xuất nông nghiệp bền vững nên thay vì đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, kích thích hóa học để nhanh thu hoạch thì bà Hà chọn cách sản xuất thuận tự nhiên.

Nuôi dê cho ăn lá thừa, vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 3
Với số lượng khoảng 200 con dê như hiện tại, gia đình bà Hà chưa bao giờ phải mua thức ăn cho dê.

"Thời điểm đó, tôi dùng trụ sống để trồng hồ tiêu với số lượng lên đến hàng nghìn trụ. Vào mùa mưa, trụ cây phát triển tốt buộc phải cắt bỏ lá và ngọn. Tuy nhiên, thời gian hoai mục tự nhiên rất lâu nên tôi nghĩ đến việc nuôi dê để tiêu thụ số lá cây trong vườn. Rất may mắn, dê lại rất thích ăn lá cây keo", bà Hà chia sẻ.

Lá, cành, đặc biệt là quả keo có độ đạm cao, sau khi cắt về sẽ được đưa vào máy để cắt nhỏ, cho dê ăn mỗi ngày. Với số lượng khoảng 200 con dê như hiện tại, gia đình bà Hà chưa bao giờ phải mua thức ăn cho dê, kể cả vào mùa khô.

Nuôi dê cho ăn lá thừa, vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 4

Mô hình nuôi dê theo hướng hữu cơ của bà Hà giúp dê khỏe mạnh, sức đề kháng cao.

"Sau 3 năm nuôi dê, mỗi năm tôi xuất chuồng khoảng gần 200 con dê giống, với giá 250.000 đồng/kg. Dê phát triển tốt, sức đề kháng cao, ít bị bệnh nên nhiều đơn vị đặt hàng để chúng tôi cung ứng nguồn dê giống. Thế nhưng xác định nuôi dê là để giải quyết số lá cây thừa nên chúng tôi không mở rộng thêm quy mô, số lượng dê bố mẹ", chủ nhân trang trại nuôi dê cho biết thêm.

Đặc biệt, từ số dê này, gia đình bà Hà còn thu được gần 300 triệu đồng từ phân dê để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo thành một vòng tuần hoàn, khép kín.

Phân dê được ủ hoai mục bón lại cho cây, không chỉ giúp gia đình tiết kiệm được chi phí phân bón mà còn bảo đảm nguồn phân chất lượng, an toàn cho cây, giúp đất không bị xơ cứng.

Nuôi dê cho ăn lá thừa, vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 5
Lá cây thừa sẽ dê được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng có lợi cho đất.

"So với việc để lá và cành cây tự mục, việc để dê ăn lá thừa và tạo phân sẽ giúp chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng có lợi cho đất. Nhờ bón phân dê mà cây hồ tiêu ít bị bệnh, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong hạt và đặc biệt luôn bán được giá cao hơn so với giá thị trường", ông Phạm Thuận, chồng bà Hà phấn khởi nói.

Nuôi dê cho ăn lá thừa, vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 6
Cành, lá keo sau khi được thu hoạch về sẽ cắt nhỏ cho dê ăn.

Chia sẻ thêm về việc trang trại dê được lựa chọn là một trong những điểm đến của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, bà Hà khẳng định, bà không có ý định khai thác du lịch mà chỉ tập trung vào hoạt động tham quan, trải nghiệm, trao đổi kinh nghiệm.

"Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn xác định mục đích chính là nuôi dê để phục vụ sản xuất hồ tiêu. Tuy nhiên, khách đến tham quan, chúng tôi rất vui lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê để mọi người cùng phát triển", bà Hà nói.