Nuôi dê lấy sữa, nông dân ở Hậu Giang "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Nuôi nhím, nuôi bồ câu đều không thành công, năm 2010, vợ chồng chị Đặng Thị Ngọc Đào (Hậu Giang) chuyển sang nuôi dê. Hướng đi này giúp anh chị có thu nhập khá, "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tọa lạc tại xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, trang trại dê có tổng diện tích 2 ha của vợ chồng chị Đặng Thị Ngọc Đào là mô hình nuôi dê lấy sữa lớn nhất tỉnh Hậu Giang hiện nay.
Chuồng trại được xây theo kiểu nhà sàn rất cao ráo, thoáng mát, chia theo từng khu vực như dê lấy sữa, dê thương phẩm với tổng đàn khoảng 300 con.
Chị Ngọc Đào chủ trại dê cho biết, trước đó vợ chồng chị khởi nghiệp từ nghề nuôi nhím rồi chuyển sang nuôi bồ câu nhưng đầu ra sản phẩm không ổn định nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp.
Đầu năm 2010, gia đình chị chuyển sang nuôi dê thương phẩm tuy không thua lỗ nhưng giá cả không ổn định. Đến năm 2017, chị chuyển sang đầu tư mô hình nuôi dê lấy sữa.
"Dê nuôi lấy sữa là giống Saanen, có ưu điểm nhiều sữa, dễ chăm sóc. Để có nguồn con giống chất lượng, năm đó vợ chồng tôi đến tận Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Sơn Tây, Hà Nội) tìm mua 12 con dê giống chất lượng cao để gây đàn", chị Đào cho biết.
Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn dê ban đầu đã phát triển nhanh chóng, đến nay chị Đào đã có 110 con dê cái, bình quân mỗi con cho từ 2 đến 3 lít sữa/ngày.
Dê con nuôi từ 18 - 24 tháng khi đạt trọng lượng từ 40 -50kg có thể cho dê cái thụ thai. Bình quân mỗi con dê cái sẽ cho sữa liên tục từ 6 đến 8 tháng.
"Cứ cách 2,3 tháng tôi phối giống 30 con dê cái. Mỗi con dê sinh được từ 1- 3 con. Khi dê con lớn được hơn 1 tháng thì tách khỏi mẹ để bắt đầu lấy sữa từ dê mẹ. Tôi cứ phối giống xoay vòng đảm bảo mỗi ngày đều có lượng sữa dê đáp ứng cho thị trường", chị Đào nói thêm.
Bình quân một ngày cơ sở của chị Đào sơ chế hơn 40 lít sữa dê. Sữa dê khi vắt xong được chuyển sang khâu chế biến sữa tươi, sữa chua, phô mai. Riêng sữa dê sấy khi lên men xong được đưa lên TPHCM cho công ty gia công sấy.
"1 lít sữa dê tươi sấy được 200 gr sữa dê sấy, với giá bán sữa tươi thanh trùng 20.000 đồng/chai, sữa chua dê sấy khô 70.000 đồng/lốc, sữa chua dê giá 80.000 đồng/lốc. Trừ hết chi phí mỗi năm gia đình tôi bỏ túi khoảng 200 triệu đồng" chị Đào tiết lộ.
Cũng theo chủ trang trại, để dê có lượng sữa dồi dào, chất lượng khẩu phần ăn của dê gồm cỏ vôi, thức ăn viên, ủ chua, bã đậu nành… giúp tăng sức đề kháng, lợi sữa.
Năm 2019, cơ sở của chị Đào chế biến thêm 3 mặt hàng mới là: Phô mai dê, sữa dê sấy khô, sữa chua dê, nâng tổng số sản phẩm tại cơ sở chị là 4 mặt hàng. Tất cả đều được công nhận đạt chuẩn OCOP của tỉnh Hậu Giang năm 2020.
Ngoài tạo nguồn thu nhập cho gia đình, mô hình của vợ chồng chị Đào còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động với mức lương từ 3,7- 5 triệu đồng/tháng. Lao động chủ yếu là những phụ nữ tại địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.
"Trước đây tôi làm ruộng nhưng từ khi có trại dê này kinh tế gia đình tôi được cải thiện. Công việc của tôi chỉ kéo dài trong buổi sáng như cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại, cho dê ăn… Trung bình một tháng tôi kiếm được gần 4 triệu đồng. Thời gian còn lại tôi kiếm thêm việc khác để tăng thu nhập", bà Huỳnh Thị Giàu chia sẻ.
Ông Đồng Văn Thắng - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Hòa cho biết, mô hình nuôi dê của cơ sở chị Đào là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương. Hai vợ chồng tự tay nghiên cứu, học hỏi quy trình nuôi dê hiệu quả vừa tạo ra những sản phẩm tiêu dùng chất lượng đạt chứng nhận OCOP vừa giải quyết việc làm cho một số lao động.