1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nước Mỹ sẽ “thắng” trong cuộc chiến tiền tệ

(Dân trí) - Trong ngắn hạn, nước Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến tiền tệ bởi đồng USD yếu hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ nhưng lại hủy hoại tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, Nhật và châu Âu.

Nước Mỹ sẽ “thắng” trong cuộc chiến tiền tệ - 1
(ảnh minh họa)
 
Phiên ngày 14/10 trên thị trường New York, đồng USD tiếp tục hạ giá so với các loại tiền tệ lớn. Việc đồng USD liên tục mất giá khiến nhiều chuyên gia cho rằng dự trữ tiền tệ thế giới khi sụt giảm về giá trị sẽ gây bất ổn lên kinh tế toàn cầu.

Dự báo về khả năng FED sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế trong chương trình nới lỏng định lượng đẩy đồng USD xuống mức thấp mới so với đồng nhân dân tệ, franc Thụy Sỹ và đôla Úc. Đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong 15 năm so với đồng yên và thấp nhất trong 8 tháng so với đồng euro.

Chỉ số USD, chỉ số đo biến động của đồng USD so với giỏ tiền tệ, rơi xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm 2010.

Theo một quan chức kinh tế cao cấp tại châu Âu, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục với chương trình nới lỏng định lượng, nước Mỹ sẽ hết sức vô trách nhiệm bởi khiến hàng xuất khẩu Mỹ trở nên có tính cạnh tranh cao hơn bất chấp ảnh hưởng tiêu cực đến các nước đối thủ.

Ông Simon Derrick, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại ngân hàng BHY Mellon, cho rằng: “Trong ngắn hạn, nước Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến tiền tệ bởi đồng USD yếu hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ nhưng lại hủy hoại tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, Nhật và châu Âu”.

Mới đây, khi cơ quan quản lý tiền tệ Singapore tuyên bố thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách mở rộng biên độ giao dịch của đồng đôla Singapore, chấp nhận nâng giá đồng tiền, đồng USD như thêm yếu tố hỗ trợ để tăng giá. Động thái của Singapore còn nhiều đồng tiền khác tại châu Á tăng giá theo.

Ông Alexei Kudrin, Bộ trưởng Tài chính Nga, trong buổi họp với quan chức thuộc Liên minh châu Âu, đổ lỗi cho Mỹ và nhiều nước khác về sự bất ổn tiền tệ toàn cầu.

Theo ông, chính sách kích thích tiền tệ của chính phủ một số nước phát triển, đặc biệt chính phủ Mỹ, với mục tiêu giải quyết vấn đề về cấu trúc, góp phần tạo ra biến động về tỷ giá.

Giá hàng hóa, vốn được tính bằng USD, cũng tăng khi đồng USD suy yếu. Giá đồng lên mức cao nhất trong 2 năm 8.490 USD/tấn ở thời điểm nào đó, còn giá vàng lên mức cao kỷ lục 1.387 USD/ounce.

Báo cáo bán niên về thị trường tiền tệ thế giới, dự kiến được công bố hôm nay, có thể khiến cuộc tranh luận về vấn đề tiền tệ trở nên căng thửng hơn, dù vậy nhiều khả năng Bộ Tài chính Mỹ cũng chưa gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, bất ổn vẫn tồn tại trên thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán hưởng lợi từ kỳ vọng vào khả năng đưa ra biện pháp nới lỏng định lượng. Nhà đầu tư hy vọng dòng tiền mới sẽ tìm đường đến thị trường chứng khoán.

Yếu tố chương trình nới lỏng định lượng và khởi động của mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2010 tại Mỹ đầy ấn tượng đã đẩy chỉ số FTSE của TTCK thế giới lên mức cao trước thời kỳ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008.

Lạm phát kỳ vọng tại Mỹ trong 10 năm tới cũng tiếp tục tăng, lên mức 2,09% từ mức 1,9% trong tuần qua. Đồng USD rơi xuống mức thấp 6,6493 nhân dân tệ/USD và giảm xuống mức 0,993 USD/đôla Úc, gần mức cân bằng có được trong tháng 4/2010.

So với đồng yên, đồng USD giao dịch ở mức 81 yên/USD và xuống mức 1,4121 USD/euro. Chỉ số USD giảm gần 1% xuống 76,259, mức thấp nhất từ tháng 12/2009.

My Vân
Theo FT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm