Kiên Giang:

Nước mắm truyền thống Phú Quốc mang lại doanh thu 600 tỷ đồng/năm

(Dân trí) - Sau nhiều nỗ lực Hội nước mắm Phú Quốc trong việc giữ gìn, bảo vệ thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc, mới đây UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống nước mắm cho Hội nước mắm Phú Quốc.

Hôm qua (18/8), Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc tổ chức lễ công bố quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống cho Hội nước mắm Phú Quốc.

Theo Hội nước mắm Phú Quốc, loại nước chấm truyền thống này có trên 200 năm hình thành và phát triển. Nước mắm Phú Quốc không những có giá trị về văn hóa mà còn là sản phẩm du lịch, hàng năm mang lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh Kiên Giang.

Người dân Phú Quốc dùng cá cơm tươi ngon để làm nước mắm và nghề truyền thống này đã tồn tại trên 200 năm.
Người dân Phú Quốc dùng cá cơm tươi ngon để làm nước mắm và nghề truyền thống này đã tồn tại trên 200 năm.

Hiện nay, có hơn 50 doanh nghiệp dùng cá cơm sản xuất nước mắm trên địa bàn huyện đảo; hằng năm cung cấp ra thị trường trên 30 triệu lít nước nắm từ 20-43 độ đạm, mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng. Nghề sản xuất nước mắm còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chỉ dẫn địa lý được Liên minh châu Âu công nhận.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc sẽ kiến nghị việc quy hoạch chọn địa điểm làm cơ sở tập trung hướng lâu dài và bền vững cho làng nghề sản xuất nước mắm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn và phát huy được sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Nguyễn Hành

Nước mắm truyền thống Phú Quốc mang lại doanh thu 600 tỷ đồng/năm - 2