Nửa tháng, 4 tỉnh bắt giữ hơn 30.000 lít rượu cồn công nghiệp

(Dân trí) - Từ ngày 1-15/3, sau khi ra quân kiểm tra, 4 Chi cục QLTT Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng và Hà Nội đã phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về rượu, xử lý trên 200 vụ, tạm giữ hơn 30.000 lít rượu, trên 300 chai rượu và 4,9 kg men ủ rượu.

Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp liên ngành Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hà Nội, sáng nay 17/3.

Ngay sau khi nghe câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng QLTT khi để xảy ra rượu bẩn, rượu giả pha chế từ cồn công nghiệp methanol (chất cấm sử dụng trong thực phẩm) hoành hành, cướp đi sinh mạng 8 người dân tại Lai Châu, và 3 người tại Hà Nội, đại diện của Cục QLTT cho biết cơ quan này đã có kết quả bắt giữ và đang phối hợp các lực lượng liên ngành tiếp tục truy quét, kiểm soát rượu pha cồn công nghiệp gây ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng người dân.

Rượu trôi nổi trên thị trường pha từ nước lã và cồn công nghiệp (ảnh minh hoạ)
Rượu trôi nổi trên thị trường pha từ nước lã và cồn công nghiệp (ảnh minh hoạ)

Theo ông Bình, các vụ việc sử dụng rượu giả dẫn đến tử vong tại Lai Châu và ngay tại Hà Nội thời gian qua đã gây bức xúc dư luận, cực kỳ nguy hiểm. Để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, ngay khi sự việc xảy ra ở hai địa phương, nhiều tỉnh đã vào cuộc kiểm tra rượu bẩn, rượu không có quy chuẩn, tiêu chuẩn hợp quy. Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quy chế để kiểm soát chặt nấu rượu tự phát trong dân.

"Hiện, Cục QLTT đã chỉ đạo các chi cục địa phương vào cuộc rà soát các cơ sở nấu rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là hàng quán bán rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối tượng sử dụng cồn công nghiệp pha chế thành rượu bán ra ngoài thị trường", ông Bình nói.

Đại diện Cục QLTT cũng đưa ra thống kê sơ bộ về tình hình phòng chống, phát hiện và xử lý rượu bản, rượu pha cồn công nghiệp. "Từ ngày 1-15/3, sau khi ra quân kiểm tra, 4 Chi cục QLTT Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng và Hà Nội đã phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về rượu, xử lý trên 200 vụ, tạm giữ hơn 30.000 lít rượu, trên 300 chai rượu và 4,9 kg men ủ rượu", ông Bình cho biết.

Hiện nay, trách nhiệm về quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm rượu thuộc về hai Bộ Y tế và Công Thương, trong đó lực lượng QLTT có trách nhiệm cấp phép, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, nấu rượu tại các địa phương được phân công. Đồng thời, kiểm soát thị trường, phát hiện, thu giữ các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem, nhãn mác và hóa đơn chứng từ. Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm quản lý chất lượng rượu được cấp phép ra ngoài thị trường, phối hợp với các lực lượng chức năng khác quản lý chất lượng rượu.

Tuy nhiên, một thực tế là loại rượu gây chết người tại Lai Châu, Hà Nội là rượu tự nấu hoặc pha chế bằng cồn công nghiệp, không có tem hợp quy, chứng nhận xuất xứ và tiêu chuẩn, quy chuẩn mà vẫn lưu hành trên thị trường. Đây là trách nhiệm thuộc về QLTT của Bộ Công Thương.

Ông Bình phân trần: "Về thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhãn mác và tem hợp quy trên rượu, sắp tới QLTT sẽ rà soát và kiến nghị bổ sung chế tài xử phạt và mức xử phạt cao hơn đối với hành vi vi phạm. Về việc các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thủ công, khi bị phát hiện hành vi sử dụng cồn công nghiệp (bị cấm sử dụng) pha chế rượu sẽ phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật".

Nguyễn Tuyền