1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc:

Nữ “đại gia” lừa đảo thoát án tử hình

(Dân trí) - Một nữ triệu phú 30 tuổi của Trung Quốc vừa được tòa án cấp cao nhất nước này từ chối thông qua án tử hình. Cô này lĩnh án tử vào năm 2009 sau khi bị kết tội lừa đảo 380 triệu Nhân dân tệ, tương đương 60,3 triệu USD.

Nữ “đại gia” lừa đảo thoát án tử hình


Theo báo Wall Street Journal, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, cơ quan có thẩm quyền thông qua mọi án tử hình ở nước này, vừa tuyên bố từ chối thông qua bản án tử hình đối với nữ phạm nhân Wu Ying. Theo đó, vụ án của nữ triệu phú lừa đảo tài chính này được chuyển lại cho tòa thượng thẩm ở tỉnh Triết Giang.

“Tòa án Nhân dân Tối cao nhận thấy số tiền trong vụ án này là lớn, hậu quả gây ra với các nạn nhân cũng là lớn, chưa kể những tác động tiêu cực đối với hoạt động quản lý tài chính của Chính phủ”, tuyên bố ngày 20/4 của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc có đoạn viết. Tuy nhiên, “theo đánh giá tổng quan về vụ án, thì án tử hình có thể được hoãn”. Điều này đồng nghĩa với việc, cô Wu có thể thoát án tử hình nếu cải tạo tốt.

“Đây đúng là tin tốt, đúng là những gì mà chúng tôi kỳ vọng”, luật sư Zhang Yanfeng đại diện cho nữ triệu phú Wu cho biết.

Cô Wu sinh ra trong một gia đình nông dân, khởi nghiệp là chủ của một tiệm làm móng. Sau đó, cô phát triển tiệm này thành một công ty đa lĩnh vực có tên Bense Holding Group đặt trụ sở ở Triết Giang. Năm 2006, cô Wu được tạp chí Hurun Report ước tính sở hữu tài sản 3,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 571,4 triệu USD, là người giàu thứ 68 ở Trung Quốc năm đó.

Ngoài kinh doanh, cô Wu còn hoạt động như một ngân hàng. Theo các luật sư đại diện cho cô Wu, cô này huy động tiền từ nhiều nhà đầu tư, một phần dùng để kinh doanh, một phần để cho vay. Chính hoạt động này đã biến cô Wu thành một phần trong hệ thống “tín dụng đen” với mức lãi suất cho vay cắt cổ ở Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, quy mô của thị trường “tín dụng đen” ở Trung Quốc là khó đoán biết, nhưng đóng một vai trò lớn trong việc cung cấp vốn choc các doanh nghiệp vừa và nhỏ - khu vực kinh tế đóng góp 80% việc làm tại khu vực thành thị của nước này.

Tháng 10 năm ngoái, ngân hàng Thụy Sỹ UBS đưa ra con số ước tính, thị trường “tín dụng đen” Trung Quốc có quy mô có thể lên tới 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 632 triệu USD, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Ôn Châu. Theo số liệu chính thức, lượng vốn tín dụng cấp mới của các ngân hàng Trung Quốc hàng năm đạt khoảng 8 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Theo tin từ Tân hoa xã, các công tố viên cho biết, cô Wu đã huy động 770 triệu Nhân dân tệ, tương đương 122,2 triệu USD, từ các nhà đầu tư với lời hứa trả lãi 80%/năm. Nhưng cô đã không hoàn trả được 380 triệu Nhân dân tệ trong số này cho 11 nhà đầu tư. Ông Zhang, luật sư của cô Wu, cho biết, thân chủ của ông đã vay số tiền này từ các nhà đầu tư là bạn bè chứ không phải từ dân chúng. Ngoài ra, ông Zhang cũng khẳng định, cô Wu đã dùng tiền đó để kinh doanh.

Tân hoa xã đã công bố những bức ảnh được cho là một số khoản đầu tư của cô Wu mà theo cảnh sát nói là bao gồm hơn 100 bất động sản, 41 xe hơi, trong đó có nhiều xe Ferrari và BMW, cùng số trang sức trị giá 100 triệu Nhân dân tệ, phần lớn là đá quý. Theo luật sư Zhang, những bức ảnh này không được sử dụng là chứng cứ trong phiên toàn xét xử cô Wu, đồng thời khẳng định cô Wu không dùng tiền của các nhà đầu tư để mua sắm cho cá nhân.

Nhiều chuyên gia pháp lý độc lập đã lên tiếng bảo vệ cô Wu sau khi tòa án Triết Giang tuyên án tử hình đối với cô này. “Nếu có ý định lừa đảo, cô Wu đã tẩu tán tài sản và bỏ trốn, làm sao có chuyện nhà đầu tư lấy lại được số tài sản còn lại”, một luật sư nổi tiếng có tên Zhang Sizhi viết trong một lá thư ngỏ gửi Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vào tháng 2 vừa qua.

Theo Wall Street Journal, việc Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc từ chối thông qua án tử hình đối với cô Wu có thể nằm trong xu hướng dần hạn chế sử dụng hình thức tử hình ở nước này.

Ngoài ra, lối thoát cho cô Wu còn có thể là kết quả của làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng mạng ở Trung Quốc sau khi án tử hình đối với cô được tuyên hồi năm 2009, cho rằng đó là một bản án khắc nghiệt đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, Tòa án Nhân dân Tối cao nước này “có quan điểm đặc biệt thận trọng đối với vụ Wu Ying”.

Ông Ôn Gia Bảo cũng nhận định rằng, vụ án này “cho thấy sự phát triển của lĩnh vực tài chính phi chính thức vẫn chưa thích nghi với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước”.

Kể từ đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi nới lỏng tình trạng độc quyền trong hoạt động cho vay của các ngân hàng quốc doanh, đồng thời có những bước tiến cải cách khác đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc. Chính phủ nước này đã tiến hành một dự án thử nghiệm ở Ôn Châu, một thành phố thuộc tỉnh Triết Giang, để hợp pháp hóa một phần hệ thống cho vay không chính thức ở đây.

Phương Anh
Theo Wall Street Journal