"Nóng" trong tuần": Dư luận “náo động” vì Asanzo; Nơm nớp nỗi lo mất điện vì quá tải

(Dân trí) - Vụ việc tại Asanzo tiếp tục là tâm điểm dư luận trong tuần qua, đặc biệt là sau khi ông Phạm Văn Tam, CEO tập đoàn này công khai 70-80% phần cứng sản phẩm tivi được nhập từ nước ngoài và Trung Quốc là “thiên đường” nhập hàng linh kiện. Bên cạnh đó, nỗi lo mất điện vẫn bao trùm trong bối cảnh nắng nóng, tiêu dùng quá tải diễn ra nhiều nơi.

"Ông chủ" Asanzo lên tiếng: 70-80% phần cứng sản phẩm tivi nhập từ nước ngoài

Nóng trong tuần: Dư luận “náo động” vì Asanzo; Nơm nớp nỗi lo mất điện vì quá tải - 1

Ông Phạm Văn Tam, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo đưa ra những bảng quy trình lắp ráp Panel, nạp phần mềm để chứng minh những gì mình nói. Ảnh: Đại Việt

 Ngày 23/6, ông Phạm Văn Tam , CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho biết, mục tiêu kinh doanh của Asanzo là mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm tivi, máy lạnh chất lượng, giá cả hợp lý.

Với mục tiêu đó, Asanzo có sử dụng những linh kiện, nguyên liệu từ trong nước và nước ngoài. Trong đó có linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan để lắp ráp tivi, máy lạnh.

Theo ông Tam, nhiều hãng sản xuất điện tử lớn trên thế giới cũng đang phải nhập linh kiện từ nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc là “thiên đường” nhập hàng của các hãng điện tử.

Hiện nay, 70-80% phần cứng của tivi Asanzo là nhập từ nước ngoài, phần còn lại được sản xuất trong nước. Riêng phần mềm tivi thì được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.

Lý giải về dòng chữ quảng cáo “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, ông Tam chia sẻ, dòng chữ này có ý nghĩa là dây chuyền sản xuất tại nhà máy được kiểm soát bằng công nghệ Nhật Bản. Đây là các công nghệ được chuyên gia Nhật Bản chuyển giao. Cụ thể, công nghệ này sẽ kiểm soát việc lên chuyền của sản phẩm, kiểm soát các tiêu chuẩn vệ sinh bo mạch, sơn…xem chúng có an toàn hay không.

Thủ tướng yêu cầu xác minh Asanzo nhập hàng Trung Quốc gắn nhãn Việt Nam

Nóng trong tuần: Dư luận “náo động” vì Asanzo; Nơm nớp nỗi lo mất điện vì quá tải - 2

Thủ tướng yêu cầu xác minh, điều tra việc Asanzo bị tố nhập hàng nước khác để gắn mác Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Chuyên gia kinh tế: Trong làm ăn với đối tác Trung Quốc, đừng đặt cảm xúc lên đầu!

Nóng trong tuần: Dư luận “náo động” vì Asanzo; Nơm nớp nỗi lo mất điện vì quá tải - 3

Trước ý kiến cho rằng, chiến tranh thương mại sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để đa dạng kinh tế, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Võ Trí Thành cho rằng cần nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong môi trường mở với thế giới bên ngoài (phần quan trọng được xác định bởi các cam kết quốc tế như các hiệp định thương mại tự do), doanh nghiệp họ có quyền lựa chọn, chủ động trong việc hợp tác với ai, chọn thị trường nào.

“Chính họ là người hiểu họ cần gì, làm ăn được với ai và làm như thế nào để có được lợi ích tối đa”, ông Thành nói và cho biết không thích lấy sự “yêu, ghét” một cách cảm tính để áp vào các mối quan hệ thương mại, đầu tư.

Ông Thành nói: Việt Nam – Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế rất sâu sắc. “Nhiều nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang gắn với thị trường Trung Quốc . Khi làm ăn với bất kỳ đối tác nào, cũng cần phải có cái đầu “lạnh”, tỉnh táo.

Bảo “ghét” ai nên không hợp tác, không làm ăn với người đó là chưa ổn. Làm việc phải bằng cái đầu, bằng tư duy chứ không chỉ bằng cảm xúc”, ông Thành nhấn mạnh thêm: Trung Quốc là một thị trường lớn. Nếu đơn thuần về kinh tế thì doanh nghiệp nào cũng muốn hướng tới thị trường lớn cả tỷ dân này.

Việt Nam - EU sắp ký Hiệp định thương mại tự do mang lại lợi ích lớn chưa từng có

Nóng trong tuần: Dư luận “náo động” vì Asanzo; Nơm nớp nỗi lo mất điện vì quá tải - 4

Thỏa thuận mang lại lợi ích lớn chưa từng có cho Việt Nam và EU

Hội đồng Bộ trưởng EU đã phê chuẩn các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU  vào ngày 25/6 và việc ký kết thỏa thuận sẽ được đại diện EU và Việt Nam thực hiện vào ngày 30/6.

Các thỏa thuận được thiết lập để mang lại lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động châu Âu và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tôn trọng quyền lao động, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris.

Hiệp định thương mại sẽ loại bỏ nhiệm vụ gần như tất cả hải quan đối với hàng hóa được giao dịch giữa hai bên trong một cách tiến bộ, tôn trọng đầy đủ nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Thỏa thuận cũng có các điều khoản cụ thể để loại bỏ các trở ngại kỹ thuật, như các vấn đề trong lĩnh vực xe hơi và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu được công nhận là Chỉ dẫn địa lý được bảo vệ tại Việt Nam.

Nhờ có thỏa thuận, các công ty EU cũng sẽ có thể tham gia đấu thầu đấu thầu mua sắm tại Việt Nam trên cơ sở bình đẳng với các công ty trong nước.

Vinalines báo lỗ luỹ kế xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trước thềm họp đại hội đồng cổ đông lần đầu

Nóng trong tuần: Dư luận “náo động” vì Asanzo; Nơm nớp nỗi lo mất điện vì quá tải - 5

Vinalines ghi nhận có lãi trước thuế trong quý I/2019 nhưng vẫn báo lỗ sau thuế, doanh thu sụt 10% so cùng kỳ

Vinalines dự kiến sẽ tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu vào ngày 29/7/2019, muộn hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu là 24/6.

Báo cáo tài chính quý I/2019 của Vinalines cho thấy, tại ngày 31/3, doanh nghiệp này có 26.218 tỷ đồng tổng tài sản (giảm hơn 140 tỷ đồng so với đầu năm). Trong đó, tài sản ngắn hạn ở thời điểm này đạt 8.717,3 tỷ đồng.

Nợ phải trả trong 3 tháng đầu năm cũng đã giảm được 106,5 tỷ đồng còn 17.124,8 tỷ đồng vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, nợ phải trả lại tăng lên 9.457,3 tỷ đồng, vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn.

Việc thoái bớt vốn khỏi Vitranschart cùng với nguồn thu từ thanh lý tàu mặc dù hỗ trợ đáng kể cho kết quả kinh doanh của Vinalines song vẫn không “cứu” tổng công ty này thoát khỏi thua lỗ trong quý I/2019.

Tổng công này bị lỗ sau thuế tới 29,7 tỷ đồng trong quý I/2019 và lỗ ròng thuộc về công ty mẹ là 57,5 tỷ đồng, qua đó, đẩy lỗ luỹ kế đến 31/3/2019 đã bị đẩy lên mức 2.990,4 tỷ đồng.

Một loạt sự cố xảy ra, EVN cảnh báo khả năng sẽ cắt điện nhiều nơi

Nóng trong tuần: Dư luận “náo động” vì Asanzo; Nơm nớp nỗi lo mất điện vì quá tải - 6

Đám cháy rừng xảy ra tại Hà Tĩnh dẫn tới nguy cơ tách đôi hệ thống điện Bắc và Trung – Nam hoàn toàn

Theo EVN, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung dẫn đến nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến .

Trong khi đó, một số tổ máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc với tổng công suất trên 2000 MW không thể huy động được do các nguyên nhân khác nhau như một số tổ máy thuộc các nhà máy Sơn Động, Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh, Uông Bí bị sự cố.

Nhiệt điện Mông Dương 1 và nhiệt điện Mông Dương 2 bị suy giảm công suất do nước làm mát bị tăng cao nhiệt độ do trời nóng, còn nhiệt điện Vũng Áng bị thiếu than.

Cũng trong thời điểm này, các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà (Sơn La, Hòa Bình) vẫn đang ở gần mức nước chết nên nguồn điện khu vực miền Bắc không thể đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải mặc dù đã khai thác tối đa khả năng truyền tải của đường dây 500kV Bắc – Nam.

EVN cho biết thêm vào khoảng 13h chiều ngày 28/6, đường dây 500kV đoạn Đà Nẵng – Hà Tĩnh lại bị sự cố do đám cháy rừng ở khu vực huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế làm tình hình cấp điện càng khó khăn thêm. Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã buộc phải tiết giảm phụ tải ở một số khu vực tại miền Bắc và miền Trung trong ngày 28/6.

Mai Chi (tổng hợp)