Nóng tại ĐHCĐ Vinatea: Cổ đông phải nhận hàng chục tỷ đồng thua lỗ từ nhiều năm trước
(Dân trí) - Năm 2019, Vinatea lỗ ròng gần 60 tỷ đồng khi phải gánh 37 khoản phải thu không có khả năng thu hồi và khoản lỗ 30 tỷ đồng phát sinh trong giai đoạn DN nhà nước, trong khi khoản này không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần.
Ngày 21/7/2020, cuộc họp đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty chè Việt Nam - CTCP (Vinatea) đã nóng lên với câu hỏi của cổ đông, chất vấn đoàn chủ tịch về khoản lỗ lớn của năm 2019.
Theo BCTC hợp nhất của Vinatea, năm 2019, công ty lỗ ròng gần 58 tỷ đồng với gánh nặng đến từ chi phí dự phòng (31 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp khác (31,3 tỷ đồng). Lỗ lũy kế tính đến cuối năm là 95 tỷ đồng.
“Nguyên nhân và trách nhiệm thế nào?” - cổ đông có mã VNT0074 đề nghị giải đáp.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Anh - Thành viên HĐQT cho biết, trong quá trình bàn giao quyết, toán vốn nhà nước, Vinatea gặp một số vấn đề về tài chính.
Theo đó, có 2 khoản bàn giao mà HĐQT mới đã và đang kiến nghị lên các cơ quan chức năng.
Một, 37 khoản phải thu không có khả năng thu hồi, tổng cộng hơn 31 tỷ đồng phải được loại bỏ khỏi giá trị bàn giao và không được tính vào giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (tức ngày 17/12/2015).
Hai, khoản lỗ 30 tỷ đồng, phát sinh năm 2015 từ hoạt động SXKD trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước trước khi chuyển sang CTCP. Vinatea – CTCP không chấp nhận khoản lỗ này và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính xem xét xử lý, không tính vào giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Nguyên nhân, đây là khoản lỗ phát sinh trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước, không thuộc trách nhiệm của CTCP.
Ngoài khoản tiền 61 tỷ đồng này, được biết, Vinatea còn phải chịu khoản lãi phạt do nộp chậm tiền.
Theo kiến nghị của Vinatea, tháng 12/2015, khi được cấp đăng ký doanh nghiệp cho công ty cổ phần, nhiều lần đã đề nghị sớm quyết toán vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động nhưng đến tháng 10/2019, Vinatea mới chính thức được quyết toán vốn và tiếp nhận bàn giao từ Tổng công ty Chè Việt Nam – Công ty TNHH MTV.
Trên cơ sở số tiền tạm nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp được Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xác định tại thời điểm 21/12/2015 là 273,4 tỷ đồng thì Vinatea đã nộp số tiền này vào tài khoản phong tỏa, mở tại Agribank.
Sau đó, mặc dù chưa thống nhất với số liệu này và đang khiếu nại để đề nghị giảm khoản lỗ 61 tỷ đồng phát sinh từ giai đoạn công ty nhà nước nhưng Vinatea vẫn chấp hành và chuyển khoản tiền này về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty lại phải chịu khoản lãi chậm nộp tiền vào quỹ với lãi suất 13,5%/năm theo Quyết định số 2966 ngày 30/07/2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Vì đang kiến nghị về tính hợp lý của các khoản này trong biên bản bàn giao nên Vinatea kiến nghị Bộ tài chính xem xét miễn lãi phát sinh do 2 khoản chậm trả nêu trên.
Bên cạnh đó, sau khi tiếp quản doanh nghiệp sau cổ phần hóa, HĐQT mới của Vinatea cũng tiếp nhận một số vụ việc liên quan đến nghĩa vụ vay.
Cụ thể, vụ bảo lãnh vay vốn cho Công ty Thái Bình Dương vay vốn tại ngân hàng BIDV. Hiện BIDV đang khởi kiện Vinatea - CTCP yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh số tiền tạm tính đến 30/6/2016 là 24,5 tỷ đồng bao gồm 10,8 tỷ đồng tiền gốc và 13,7 tỷ đồng tiền lãi cùng phí bảo lãnh hơn 70 triệu đồng.
Cùng với đó là khoản nợ vốn vay ODA Ấn Độ theo yêu cầu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với dự án Nhà máy chè Phú Lương là 25 tỷ đồng.
HĐQT Vinatea – CTCP cho rằng, theo khoản 3, Điều 10 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP quy định về Nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì những nghĩa vụ tài chính phát sinh ngoài Phương án cổ phần hóa và biên bản bàn giao không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần.
Nghĩa vụ của các vụ việc này phải được các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính… có trách nhiệm giải quyết. Việc giải quyết phải triệt để và dứt điểm để không ảnh hưởng tới hồ sơ tài chính của Vinatea - CTCP.
Theo lãnh đạo của Vinatea- CTCP, do các vướng mắc này nên công ty hiện rất khó trong việc đáp ứng các điều kiện về hồ sơ tài chính để có thể huy động vốn từ các nguồn khác như tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu để phục vụ việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh.
Thực tế, nếu loại trừ các khoản lỗ chưa được giải quyết nói trên thì hoạt động SXKD của Vinatea có lãi hơn 1,7 tỷ đồng. HĐQT đang tiếp tục làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu được bồi hoàn các khoản lỗ này.
Về mặt đất đai, ông Nguyễn Hồng Anh cũng cho biết, trong danh mục đất đai được bàn giao có 1 số vị trí đất chưa được địa phương phê duyệt phương án sử dụng đất và chưa ký được hợp đồng thuê đất như đất nông nghiệp tại Yên Bái, Thái Nguyên, đất phi nông nghiệp tại Quận 3, Tp.HCM.
Vinatea-CTCP cũng đang gặp nhiều điều khoản bất lợi liên quan đến hợp đồng thuê mặt bằng với CTCP Sông Châu tại 92 Võ Thị Sáu (Hà Nội) và 59 An Bình (Tp.HCM). Đồng thời, các quyết định thanh tra của thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm đất đai thời trước cổ phần hóa ảnh hưởng tới việc ký gia hạn các hợp đồng thuê đất tại Mai Đình, Sóc Sơn (Hà Nội). Vinatea - CTCP đang đàm phán để tìm giải pháp gỡ khó, đảm bảo quyền lợi cho Vinatea.
Đại hội cổ đông của Vinatea đã kết thúc với việc thống nhất ủy quyền cho HĐQT thực hiện những vấn đề liên quan đến tài chính, nghĩa vụ không được bàn giao, tranh chấp đất đai nói trên.
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn phải đặt ra là, có nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa gặp phải vấn đề như Vinatea hay không? Và tình trạng này có ảnh hưởng không tốt đến uy tín của nhà nước cũng như hiệu quả của hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?
Năm 2013, Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước được định giá để chuẩn bị cho cổ phần hóa theo quyết định của Chính phủ năm 2011.
Theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giá trị thực tế của Vinatea- Công ty TNHH là 439 tỷ đồng, nợ thực tế phải trả là 119 tỷ đồng và giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 319,55 tỷ đồng.
Tháng 9/2015, Tổng công ty chè Việt Nam tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chấp thuận chọn nhà đầu tư chiến lược cho Vinatea là Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (sau đổi tên thành GTNFoods, mã chứng khoán GTN). GTN được mua 23,5 triệu cổ phần Vinatea, chiếm 63,74% vốn điều lệ.