Nông sản Việt xuất ngoại: Tiểu ngạch áp đảo chính ngạch
(Dân trí) - "Nông sản nước ta sang thị trường nước ngoài còn bấp bênh. Xuất khẩu chủ yếu vẫn còn đi bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng, giá giảm sâu, có khi bị đổ bỏ nơi cửa khẩu".
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt”. Hội thảo do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) tổ chức.
Xuất khẩu bằng... tiểu ngạch
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách - Phó Chủ tịch thường trực DAA Việt Nam, nhờ sự “ưu đãi” của thiên nhiên, đặc biệt là con người biết khai thác truyền thống làm nông nghiệp từ lâu đời nên Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông sản. Song song với đó, do sự tương đồng văn hóa, ẩm thực và gần gũi địa lý nên nhiều năm nay Trung Quốc là thị trường chiến lược và đầy tiềm năng cho nông sản Việt Nam.
Năm 2017, trong 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau củ quả thì Trung Quốc chiếm đến 76% giá trị. Theo đó, lượng chuối, nhãn… mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng đáng kể.
Mặc dù vậy, theo ông Anh, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này còn bấp bênh. Xuất khẩu chủ yếu vẫn còn đi bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng, giá giảm sâu, có khi bị đổ bỏ nơi cửa khẩu. Vấn đề minh bạch, uy tín trong hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Do đó, ông Anh mong muốn các doanh nghiệp sớm tìm được “đòn bẩy” giúp cho việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thêm nhiều thuận lợi, đổi mới hơn. Cụ thể, ông Anh mong muốn các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận khách quan hơn về thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng như Trung Quốc. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục những hạn chế về mặt quy trình sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị cạnh tranh và nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu.
“Chúng tôi mong muốn các hiệp hội, chuyên gia, cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu kết nối để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng đầu mối hợp tác để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản, thủy sản, đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần phải đề xuất qui định, chính sách hỗ trợ, cũng như có giải pháp cụ thể để tạo thuận lợi thương mại, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa theo giá trị xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới giữa Việt – Trung”, ông Anh nói.
Cần tháo gỡ vướng mắt về cơ chế
Ông Vĩ Tích Thành, Tham tán Kinh tế và Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM cho rằng, ẩm thực có vai trò lớn trong đời sống người dân Trung Quốc. Đặc biệt, người dân Trung Quốc rất: "biết ăn, thích ăn và ăn rất khỏe".
Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm.
Ông Thành cũng cho biết, Hội chợ quốc tế sẽ được tổ chức vào tháng 11/2018, tại Thượng Hải. Việt Nam là đối tác gần gũi với Trung Quốc nên có cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển tại thị trường này.
Vấn đề xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc hiện đang gặp một số khó khăn nhất định. Do đó, để mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc thì Việt Nam chỉ cần lưu ý thói quen tiêu dùng và sở thích của người dân Trung Quốc.
Theo ông Thành, nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch. Tuy đây là một phần quan trọng của thương mại hai bên, nhưng mang tính tùy ý, không bền vững, có rủi ro lớn vì chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang làm. Mặt khác, sản xuất nông sản vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản xuất khẩu là do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng.
Ông Thành cũng đề xuất các giải pháp để phát triển nông sản Việt sang Trung Quốc. Theo đó, các cơ quan Nhà nước cần nghiên cứu, nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường, xây dựng chính sách và quản lý tốt sản xuất nông nghiệp. Không nên để nông dân tự đi tìm hiểu người tiêu dùng cần cái gì rồi tự trồng trọt, sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan của Nhà nước Việt Nam cần tích cực kết nối chính sách với các cơ quan Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
"Các cơ quan tài chính, tổ chức tín dụng cũng cần hỗ trợ nhiều hơn cho các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản. Về phía nhà sản xuất, họ cũng nên tăng cường ứng dụng công nghiệp tiên tiến vào trong sản xuất để tăng năng suất, cũng như chất lượng sản phẩm", ông Thành nói.
Công Quang