1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nông sản Việt: Thói quen sản xuất và tiêu thụ những gì tiện có, dễ có

(Dân trí) - Theo chuyên gia, ở tầm quốc gia, nếu Chính phủ muốn làm thị trường cho nông nghiệp Việt Nam thì trước tiên phải có "câu chuyện" để kể với thị trường. Đó là câu chuyện về việc canh tác như thế nào, chế biến ra sao, bố trí từng vùng với các sản phẩm nào là chủ đạo, đảm bảo an toàn với các cơ chế nào...

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Nông sản Việt vẫn chưa có "câu chuyện"

Phát biểu tại bàn tròn nông nghiệp trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Nông nghiệp VPSF, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung cho rằng, nhiều người vẫn nói, có thị trường là có tất cả" và chính sách phát triển thị trường là vấn đề trọng yếu của nông nghiệp nước ta hiện nay.

Tuy nhiên thực tế, theo ông Hoàng Anh, việc xây dựng các chính sách để phát triển thị trường nông nghiệp dường như vẫn còn ít được quan tâm hoặc chưa đúng hướng, chưa hiệu quả. Nguyên nhân có thể do phân công vai trò chưa hiệu quả và hợp lý.

Ví dụ như đối với thị trường xuất khẩu, phụ thuộc vào 3 Bộ và mỗi Bộ quyết định một khâu trong khi cơ chế liên kết còn yếu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định sản xuất, Bộ Tài chính điều hành về giá và thuế, Bộ Công Thương đảm nhận khâu xúc tiến thương mại. Đối với thị trường trong nước, phần lớn các địa phương dựa vào cơ quan khuyến nông, nhưng đây là cơ quan có chức năng thúc đẩy sản xuất không có tư duy làm thị trường.

"Cách làm thị trường cũng chưa khoa học, vẫn chưa lấy thị trường làm thước đo và mục tiêu để phát triển sản phẩm; thường sản xuất và tìm cách tiêu thụ những gì tiện có; dễ có;...mà không tập trung tạo ra các sản phẩm thị trường có nhu cầu. Đồng thời, công tác xúc tiến thị trường ít gắn với phân tích bài bản thị trường chiến lược, kém trong quảng bá cho sản phẩm của Việt Nam", ông Hoàng Anh nhìn nhận.

Theo Hoàng Anh cho rằng, ở tầm quốc gia, nếu Chính phủ muốn làm thị trường cho nông nghiệp Việt Nam thì trước tiên phải có "câu chuyện" để kể với thị trường. Đó là câu chuyện về việc canh tác như thế nào, chế biến ra sao, bố trí từng vùng với các sản phẩm nào là chủ đạo, đảm bảo an toàn với các cơ chế nào...

"Nhưng hiện nay, rất khó để có "câu chuyện" rõ ràng khi tính tới làm thị trường với tình trạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi lộn xộn - chuyển đổi lúng túng, nhỏ lẻ, manh mún, nặng tính tự phát, chưa tập trung vào sản phẩm chủ lực, dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng nông sản cũng như việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong thời gian qua", ông nói.

Trong khi đó, hành lang pháp lý về nông nghiệp cũng chưa có sự chuyển đổi phù hợp với xu thế của khu vực và thế giới. Rất nhiều FTA đã hoặc sắp có hiệu lực liên quan tới thị trường các ngành hàng trong đó có nông sản nhưng chưa được phân tích rõ ràng và gắn kết với các chiến lược trong nước, do đó, thậm chí chúng ta không tận dụng được lợi thế từ các FTA mà còn có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Chỉ dừng lại ở khuyến khích chưa đủ mạnh để hút vốn

Còn theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân phải là đầu tàu trong việc tập hợp nông dân, nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo nhu cầu thị trường.

"Tuy nhiên, điều đáng buồn là đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà", ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, về khách quan, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản có nhiều rủi ro hơn các ngành kinh tế khác vì dễ bị ảnh hưởng trực trực tiếp thời tiết, khí hậu, thiên tai bão lũ, dịch bệnh; ngành nông lâm thủy sản là ngành có lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn chậm so với các ngành kinh tế khác; mặt bằng cho sản xuất phổ biến có kết cấu hạ tầng chưa phát triển, còn nhiều khó khăn, nhất là điện, nước, hạ tầng giao giao thông, thủy lợi, nội đồng…

Bên cạnh đó, nền sản xuất nông nghiệp hiện vẫn phổ biến nhỏ lẻ phân tán, chủ yếu dựa vào kinh tế hộ (kéo dài quá lâu cơ chế kinh tế hộ là đơn vị kinh tế tự chủ); nguồn nhân lực lao động nông nghiệp được đào tạo quá thấp trên 90% lao động vẫn là giản đơn và truyền thống, chưa qua đào tạo.

"Ở góc độ nhận thức chưa thực sự nhất quán, thống nhất ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhất là ưu tiên thu hút phát triển doanh nghiệp, nên chính sách hiện có chỉ dừng lại là khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư", ông Ngọc nhận định.

Theo ông Ngọc, về nội dung chính sách chủ yếu phân theo địa bàn, lĩnh vực đầu tư, ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư là phù hợp với chung ngành kinh tế, nhưng không phù hợp với nông nghiệp nông thôn. Các doanh nghiệp rất khó tiếp cận đất đai vì phải thỏa thuận với hộ nông dân; nếu thỏa thuận được thì phải chi phí 2 lần trả tiền sử dụng đất: tiền thuê hoặc mua đất của người có quyền sử dụng đất, đồng thời lại phải nộp tiền sử dụng đất (tuy có được miễn giảm). Trong khi, các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp chỉ phải trả tiền thuê đất mặt bằng.

Về thuế phí còn bất cập giữa nông sản nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; khuyến khích sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến. Về bảo hiểm rủi ro trong sản xuất nông lâm thủy sản do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả chưa được phát triển là rào cản hạn chế lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai Nghị quyết về tam nông cũng mới chỉ lựa chọn một số mặt hàng thí điểm bảo hiểm. Trong thủ tục hành chính, sự hỗ trợ của quản lý nhà nước trong việc khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận nguồn lực để đầu tư còn chậm được cải thiện.

Đại diện nhóm công tác nông nghiệp của VPSF, ông Ngọc đề xuất Chính phủ cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ vấn đề khó khăn nhất hiện nay cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Một là, vấn đề đất đai theo hướng làm sao để doanh nghiệp chỉ trả tiền mua (hoặc thuê) đất một lần, tránh tình trạng để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân nhưng thực tế là mua một lần, sau đó lại trả tiền thuê đất trên chính mảnh đất mình vừa mua. Cần có chính sách tích tụ ruộng đất, sớm hình thành thị trường đúng nghĩa với thị trường đất đai để doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất.

Hai là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Theo đó, cần có chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, nhất là chính sách bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp mà thời gian qua đã áp dụng thí điểm tại 13 tỉnh, thành với 3 loại sản phẩm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho người lao động ở nông thôn, nhất là lao động trong các trang trại, doanh nghiệp nhỏ… Ba là, cần có gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất.

Đối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động để phục vụ cho chính doanh nghiệp của họ và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại… không có đủ điều kiện tự đào tạo nguồn nhân lực.

Phương Dung