Đắk Nông:
Nông sản đồng loạt rớt giá, nông dân bỏ mặc không thu hoạch
(Dân trí) - Cùng với giá hồ tiêu rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, giá bán bí đỏ, chanh dây cũng tiếp tục giảm sâu khiến người trồng lao đao vì lỗ nặng.
Chanh dây mất giá 10 lần
Hai năm gần đây, khi giá cây chanh dây tăng trở lại, nhiều hộ nông dân Đắk Nông đã đua nhau mở rộng diện tích trồng. Theo thống kê, diện tích chanh dây trồng mới đến nay ước khoảng 600 ha, tăng 150 ha so với năm 2016 và tăng 231 ha so với kế hoạch đề ra của ngành nông nghiệp tỉnh này, dẫn đến thực tế cung vượt quá cầu.
Đầu năm 2017, giá chanh dây có thời điểm lên tới 50.000 đồng/kg và duy trì khá lâu ở mức giá 40.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, giá của nông sản này đột ngột giảm sâu, xuống 15.000 đồng/kg và hiện tại chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Anh Lục Văn Giang (thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long) cho biết, để trồng 1 ha chanh dây chi phí bỏ ra khoảng 100 triệu đồng, nếu giá ổn định ở mức 15.000 đồng thì người trồng đã có lãi ở mức chấp nhận được.
“Thế nhưng, mấy ngày qua, nhiều hộ trồng chanh dây bị “hớ nặng” vì chanh dây rớt giá quá sâu. Riêng gia đình tôi, vườn chanh dây cho thu hoạch rộ nhưng giá chỉ còn khoảng 5.000 đồng nên chẳng còn tâm trí nào để chăm sóc nữa”, anh Giang chia sẻ.
Không những giá xuống thấp mà thương lái lợi dụng việc dư thừa chanh nên cũng liên tục ép giá. “Đối với loại quả to, chín đẹp thì họ mua với giá 5.000 đồng/kg, nhưng với quả xấu thì họ mua chưa đến 4.000 đồng”, nông dân này cho hay.
Một thương lái thu mua chanh dây trên địa bàn xã Quảng Sơn cho biết: “Chanh dây thu mua xong chủ yếu bán lại cho thương lái Trung Quốc, hiện nay bên Trung Quốc cũng đang vào mùa thu hoạch chanh dây, nên họ chỉ mua lại từ bên Việt Nam với giá rẻ. Hơn nữa, số lượng chanh dây trong dân quá lớn nên không thể mua hết được, buộc chúng tôi phải chọn hàng chất lượng và “siết” giá”.
Bí đỏ cũng mòn mỏi chờ thương lái
Mặc dù vụ bí đỏ năm nay được đánh giá cho năng suất, chất lượng cao hơn những năm trước nhưng người trồng bí đỏ tại Krông Nô, Đắk Song cũng “ngồi trên đống lửa” vì giá liên tục xuống thấp, thậm chí nhiều nông hộ không tìm được đầu ra nên đành để bí đỏ thối ngay tại vườn.
Bí ngô được thu hoạch về nhưng không có thương lái đến mua
Bà Phan Thị Thoan (thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô) cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, không có sâu bệnh nên cây bí đỏ phát triển rất tốt, cho nhiều trái, năng suất cao hơn trước năm trước, thế nhưng bí đỏ lại rớt giá thảm hại khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn.
“Bây giờ thu hoạch thì không có người mua, đổ đống thì bí cũng giảm chất lượng. Nhưng vụ mới cũng sắp tới, nếu không làm đất thì sẽ trễ vụ. Giá bí giảm trong khi giá phân bón, giống, nhân công chăm sóc, nhân công thu hoạch lại cao khiến người trồng bí ở đây lao đao, khốn đốn không biết làm cách nào”, bà Thoan thở dài nhìn về ruộng bí lá đã đỏ úa.
Xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song) là địa phương chuyên canh rau củ lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Những ngày này, người dân xã này cũng chạy đôn đáo tìm thương lái đến thu mua bí đỏ.
Giá nông sản xuống thấp, nhiều nông dân bỏ mặc bí đỏ ngoài đồng
Ông Phạm Văn Thiệu (thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) trồng được hơn 3 sào bí đỏ. Ông Thiệu cho biết: “Cũng trên diện tích đất này những năm trước trồng bí đỏ, tôi bán được hơn 50 triệu đồng. Năm nay, bí đỏ đã bước vào thu chính vụ nhưng vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ. Mặt khác, với mức bán hiện tại từ 600 - 1.500 đồng/kg, tiền bán bí đỏ không đủ để chi trả tiền thuê công nhân thu hoạch nên gia đình đành bỏ bí đỏ thối ngay tại ruộng chứ không còn cách nào khác”.
Được biết, hiện nay thương lái chủ yếu thu mua bí đỏ loại nhỏ mà ít mua bí đỏ dạng tròn nên nhiều nông dân đánh bỏ mặc không thu hoạch hoặc chấp nhận bán với giá thấp.
Bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết, ngay từ đầu vụ, xã đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích cây bí đỏ, chuyển đổi một phần diện tích sang trồng ngô, khoai lang và các loại cây ngắn ngày khác. Nhưng do năm trước giá bí đỏ ở mức cao nên người dân vẫn bất chấp khuyến cáo để trồng bí đỏ dẫn đến dư thừa sản lượng, rớt giá.
“Trước mắt, xã đang nỗ lực tìm đầu ra cho nông dân, đồng thời khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch để có kinh phí tái đầu tư vụ mới chứ không được bỏ bí đỏ hư thối tại ruộng. Về lâu dài chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để nông dân nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn cây trồng, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, không chạy theo thời giá để trách lặp lại điệp khúc được mùa rớt giá như hiện nay”.
Trong khi đó, ông Hà Văn Nam, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đắk G’long cũng nhấn mạnh, người dân hiện nay trồng chanh dây chủ yếu chạy theo thị trường. Khi giá cao, nông dân đua nhau sản xuất ồ ạt, không theo quy hoạch, không áp dụng khoa học kỹ thuật và nguồn giống không bảo đảm đã khiến cho chanh dây được ví là cây “siêu lợi nhuận” lại trở thành “trái đắng” khiến không ít người thua lỗ
Dương Phong- H’Dơng