Nông sản Việt rộng cửa "thoát Trung"?

Nông sản Việt có cơ hội chấm dứt "cơn ác mộng" bị ùn ứ, hỏng thối chờ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo thông tin trên trang Cơ quan Truyền thông quốc gia Úc ABC và được báo Tuổi trẻ dẫn lại, Bộ Nông nghiệp Úc đã phê chuẩn việc nhập khẩu trái vải đã qua xử lý bức xạ và sẽ thông báo cho các nhà nhập khẩu nước này.

Quyết định này được đưa ra vào đúng thời điểm vụ thu hoạch vải 2015 ở Việt Nam từ tuần thứ ba của tháng 5 đến giữa tháng 7.

Trái vải tươi của Việt Nam sẽ được phép vận chuyển đến Úc bằng đường không và đường biển và sẽ được kiểm tra kỹ trước khi phân phối trên cả nước Úc.

Trái vải Việt Nam có cơ hội đa dạng hoá thị trường
Trái vải Việt Nam có cơ hội đa dạng hoá thị trường

Như vậy, sau 12 năm đăng ký, giờ đây Việt Nam có thể xuất trái vải tươi sang Úc. Đặc biệt, ngoài Úc, một thị trường khó tính khác là Mỹ từ cuối năm ngoái đã chấp thuận nhập vải tươi từ Việt Nam. Trước đó, 10 tấn vải Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng lên đường xuất thí điểm sang Nhật Bản bằng cách sử dụng công nghệ CAS (Cell Alive System) để bảo quản thực phẩm đông lạnh hiện đại của tập đoàn ABI (Nhật Bản).

Trao đổi trên báo Người lao động, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc Mỹ, Úc chấp nhận vải thiều của Việt Nam mở ra cơ hội ngàn vàng cho trái vải xuất ngoại, thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để khai thác được thời cơ từ 2 thị trường này, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải có chương trình hành động cụ thể, từ việc định hướng cho nông dân đến hỗ trợ sau thu hoạch.

Diện tích đất trồng vải thiều hiện không đủ đáp ứng nhu cầu từ 2 thị trường này. Vì vậy, thay vì để nông dân “tự do” muốn trồng gì thì trồng, các bộ nên kết hợp với địa phương quy hoạch lại vùng trồng cây vải, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch.

Có thể quy hoạch các vùng trồng lúa ở Hưng Yên, Hải Dương… để trồng vải thiều. Như Thái Lan “cắt” 30% diện tích trồng lúa chuyển sang trồng mía để sản xuất methanol.

“Nếu không giải quyết được các vấn đề trên, cơ hội từ Mỹ, Úc vẫn chỉ là cơ hội và tình trạng sản xuất manh mún, chất lượng bấp bênh, bán đổ bán tháo trong thời điểm thu hoạch rộ sẽ tiếp diễn” - GS-TS Võ Tòng Xuân nói.

 

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2015 dự kiến xuất khẩu thêm xoài, vú sữa vào Mỹ; ở thị trường Úc ngoài trái vải sẽ có xoài và thanh long; Nhật cũng có thể mở cửa cho trái xoài Việt Nam trong năm nay.

Cũng theo Cục này, chỉ trong hai tháng đầu năm 2015 xuất khẩu bốn loại trái cây tươi gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và xoài vào bốn thị trường khó tính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đạt trên 945 tấn, bằng 25,8% so với cả năm 2014.

Trong đó, xuất khẩu thanh long chiếm tỉ trọng lớn nhất với gần 80%. Trong các thị trường trên, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long tươi lớn nhất của VN với 450 tấn, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Theo An Nhiên (Tổng hợp)
Đất Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”