1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao xuất khẩu nông sản sụt giảm "bất thường"?

(Dân trí) - Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản 3 tháng đầu năm 2015 giảm hơn 10% so với cùng kỳ, trong khi kể từ năm 2011 đến năm 2014 kim ngạch quí I đều tăng trung bình 10% so với cùng kỳ. Vì sao có sự bất thường này?

Vì sao xuất khẩu nông sản sụt giảm bất thường?
Các mặt hàng nông sản, thủy sản… dù đã được xây dựng bước đầu những giá trị thương hiệu nhưng có thể nói là sự bền vững của sản phẩm chưa được đảm bảo.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Phân tích rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây được đánh giá là điều bất thường so với những năm trước vốn có mức tăng trưởng cao trong quý I. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách cụ thể về sự sụt giảm trong quý I năm 2015, có mấy nguyên nhân tương đối rõ nét và cơ bản.


Thứ nhất, có thể nói quý I/2015 biến động của thị trường thế giới có những nét tương đối đặc biệt. Giá cả của mặt hàng nông sản, thủy sản có sự sụt giảm như: gạo, cao su, phi lê cá thịt trắng... Đặc biệt trong đó là mặt hàng gạo có một sự sụt giảm chung trên thị trường thế giới. Không chỉ riêng gạo của Việt Nam mà của cả những nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đều trong trạng thái sụt giá liên tục. 

 

Thứ hai, là trong quý I năm 2015 tình hình của thế giới vẫn còn có những bất ổn nhất định trong các khu vực khác nhau cả ở khía cạnh về chính trị, tôn giáo, khủng bố… cũng đã tác động ít nhiều đến nhu cầu của thế giới. Sự phục hồi chậm, chưa thực sự bền vững của kinh tế thế giới cũng dẫn đến tác động và nhu cầu chung của thế giới ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước nói chung.

 

Thứ ba, là đối với riêng một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, trong năm 2015 và những năm trước đây, đặc biệt năm 2014, năng lực sản xuất của chúng ta có thể nói đã đạt đến mức độ rất cao, tiêu biểu như mặt hàng gạo, cà phê, cao su, thủy sản, v.v… Sự gia tăng sản lượng của Việt Nam trong những năm gần đây đã gần đến ngưỡng của cả sản xuất và năng lực xuất khẩu. Điều đó cũng dẫn đến những vấn đề đặt ra cho chúng ta trong công tác xuất khẩu.

 

Thứ tư, yếu tố tác động đến việc sụt giảm tăng trưởng của mặt hàng nông sản, thủy sản và của một số mặt hàng khác trong lĩnh vực kinh tế là do mức độ cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường thế giới đối với các mặt hàng này. Tất nhiên hiện vẫn đang nằm chung trong cân đối cung cầu của thế giới. Tuy nhiên thì rõ ràng có thể nói cạnh tranh diễn ra gay gắt trong một số mặt hàng được cho là rất nhạy cảm và quan trọng của Việt Nam như gạo, cao su, cà phê…


Nguyên nhân thứ năm có thể thấy rất rõ nét là trong thị trường thế giới thì các nước nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu như nông sản, thủy sản… có xu thế bắt đầu điều chỉnh các chính sách điều hành, trong đó có nhập khẩu theo hướng một số mặt hàng họ phấn đấu tăng cường hơn năng lực sản xuất để vươn tới giảm thiểu bớt nhu cầu nhập khẩu. Ví dụ như mặt hàng gạo, Việt Nam chứng kiến các quốc gia nhập khẩu chính như Indonesia, Philippines cũng đều rất nỗ lực trong việc tăng cường năng lực sản xuất lương thực để có thể cân đối cung - cầu. Các mặt hàng như thủy sản cũng vướng vào một số các chính sách bảo hộ mà dưới hình thức mới, những rào cản về thương mại, rào cản kỹ thuật tại các quốc gia ở Châu Âu, Mỹ… Không chỉ thông qua các rào cản kỹ thuật, mà còn cả các biện pháp trong các tranh chấp thương mại, ví dụ như các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp… Những hoạt động đó đã gây tác động tương đối nhiều không chỉ đến các mặt hàng xuất khẩu mà cả giá trị của kim ngạch xuất khẩu.


Theo Thứ trưởng, một nguyên nhân nữa mà có lẽ đang được định hình ngày càng rõ dần, đó là biến động trên thị trường thế giới với việc đồng đô la càng ngày càng lên giá và khẳng định sức mạnh đã tác động đến nhu cầu thị trường ở những thị trường rất quan trọng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, như thị trường Châu Âu đối với các mặt hàng về thủy sản; thị trường Nhật Bản đối với các mặt hàng về thủy sản, trái cây, kể cả mặt hàng về công nghiệp, tiêu dùng…

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, về cơ bản lâu dài, còn có một số vấn đề tồn tại và cũng sẽ tác động đến xuất khẩu nếu chúng ta không có biện pháp thì sẽ tiếp tục tác động đến năng lực cạnh tranh của chúng ta và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu. Đầu tiên chính là năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt thì năng lực cạnh tranh của chúng ta mặc dù đã khẳng định vị thế của mình trong một số các mặt hàng, nhưng phải nhìn nhận khách quan, thực tế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm chậm được cải thiện.

 

Thứ trưởng dẫn chứng, các mặt hàng nông sản, thủy sản… dù đã được xây dựng bước đầu những giá trị thương hiệu nhưng có thể nói là sự bền vững của sản phẩm chưa được đảm bảo. Mà điều này có nhiều nguyên nhân trong đó có vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức sản xuất, quy mô của ngành kinh tế đó, liên quan đến năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực về công nghệ, chất lượng sản phẩm, liên quan đến khâu quản trị, trình độ, chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực, liên quan đến khung pháp lý trong tổ chức sản xuất và đặc biệt, vấn đề chúng ta vẫn hay nói đến, đó là các chuỗi giá trị sản phẩm.


"Như vậy có thể nói, có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan, cả chủ quan, có cả những vấn đề ngắn hạn và dài hạn, nhưng cần phải nhìn nhận thấy rằng, trách nhiệm và yêu cầu đặt ra cho chúng ta đang ngày càng cao yêu cầu phải tổ chức lại không phải chỉ để thúc đẩy xuất khẩu mà vấn đề quan trọng là đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm trong quá trình hội nhập", thứ trưởng nhấn mạnh.

 
Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm