Nóng, lạnh với vàng trên bàn nghị sự
(Dân trí)- “Thị trường vàng rất lạnh. Vàng lạnh lắm, cầm rất lạnh. Cho nên xử lý vàng không được nóng vội, phải bình tĩnh và mặc dù có khuyết điểm nhưng để thay đổi nó cần phải có thời gian”, TS.Trần Hoàng Ngân ví von khi nói về chính sách điều hành thị trường vàng hiện nay.
Bên hành lang buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều nay 24/10, TS.Trần Hoàng Ngân (đại biểu đoàn TPHCM) đã có chia sẻ ngắn với báo giới về thị trường vàng. Theo đánh giá của TS.Trần Hoàng Ngân, từ năm 2008 đến nay, những người dự báo về vàng đều không thành công do thị trường biến động bất thường. Vì vậy, việc điều hành và kiểm soát thị trường vàng được TS.Ngân đánh giá “là vô cùng khó khăn”.
TS.Ngân cho rằng, mục tiêu của Chính phủ đưa ra hiện nay là nhằm đưa thị trường vàng vào quản lý một cách chặt chẽ theo đúng pháp luật, đồng thời, thông qua việc quản lý thị trường vàng để kiểm soát vàng hóa, chống đô la hóa trên thị trường.
“Chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay đã bám sát Nghị định 24. Chúng ta đã đưa hoạt động vàng đi vào nền nếp và đặc biệt chống được hiện tượng vàng hóa trên thị trường, chống được đô la hóa, góp phần ổn định giá. Đó là những thành công, ngoài ra nó còn đem lại nguồn thu cho ngân sách thông qua các phiên đấu thầu vàng”, TS.Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Còn nhớ, trong bản báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày hôm khai mạc có nói: “Quản lý thị trường vàng, nhất là hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng đã mang lại hiệu quả nhất định, bước đầu đã bình ổn thị trường vàng trong nước, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới”.
Đề cập tới khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới (hiện nay đang dao động từ 3 - 4 triệu đồng/lượng), TS.Trần Hoàng Ngân cho biết, thời điểm hiện nay khó kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Bởi những biến động trên thị trường vàng thế giới hiện nay, thị trường vàng trong nước khó theo kịp.
“Thị trường vàng thế giới sau 1 đêm có thể nhảy từ 30 USD - 60 USD/ounce, tùy thuộc và cuộc họp của Fed quyết định duy trì QE hay quyết định thu hẹp QE, thì làm sao giá vàng của mình có thể chạy theo kịp được. Chênh lệch trên thị trường vàng hiện nay, tôi đánh giá, không phải là mong muốn của Ngân hàng Nhà nước. Đây là do khách quan tạo ra cho thị trường như vậy”, TS.Ngân nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ngân, khoảng cách lớn về giá trên thị trường vàng hiện nay cũng là “một trong cái lợi. Nó làm nản lòng những người muốn mua vàng và như vậy là chúng ta đã chống được hoạt động đầu cơ. Bây giờ giới đầu tư vàng đã hạn chế đi rất nhiều, giúp cho việc chống vàng hóa nền kinh tế”.
Đề cập đến hoạt động tăng cung cho thị trường thông qua các phiên đấu thầu vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, ông Ngân cho rằng, đây là giải pháp hợp lý nhất ở thời điểm này so với các giải pháp khác. Nhưng nó vẫn có mặt trái, tức là đấu thầu vàng vẫn có khuyết điểm nhưng so với các giải pháp khác thì nó là hữu hiệu.
“Mặt trái đó là chúng ta chưa huy động được cung cầu trên thị trường. Đợi đến một lúc nào đó, khi điều kiện thị trường vàng thế giới ổn định thì điều hành của chúng ta sẽ dễ hơn. Thế tôi mới nói, thị trường vàng rất lạnh. Vàng lạnh lắm, cầm rất lạnh. Cho nên xử lý vàng không được nóng vội, phải bình tĩnh và mặc dù có khuyết điểm nhưng để thay đổi nó cần phải có thời gian.
Để khi nào thế giới bình ổn rồi thì mình chỉnh, khi đó có thể lập một sàn vàng vật chất giống như các nước, tạo được nguồn cung cầu vàng, thay vào việc phải nhập khẩu vàng về như hiện nay. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, việc tạo cung cầu vàng thông qua sàn vàng vật chất chứ không phải là vàng tài khoản, khi đó chúng ta sẽ giải quyết được bài toán vàng. Quá trình này là quá trình chúng ta đang đi xây dựng các giải pháp để khắc phục những nhược điểm của đấu thầu vàng hiện nay”, ông Ngân nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền