Kon Tum:

Nông dân "khóc ròng" vì trồng giống bắp “không hạt”

(Dân trí) - Sau hơn 3 tháng mòn mỏi chờ đợi vườn bắp lai 989, thì nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) “nuốt đắng” khi đến kỳ thu hoạch mà giống bắp này cho bắp rất to nhưng lại không có hạt hoặc hạt rất ít.

Để đảm bảo nguồn tưới tiêu, tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vụ đông xuân vừa qua, vợ chồng ông Vũ Văn Huynh ở tổ dân phố 7, thị trấn Đắk Hà (Đắk Hà, Kon Tum) đã chuyển đổi ruộng lúa sang trồng bắp. Sau hơn 3 tháng xuống giống bắp lai 989, vợ chồng người nông dân này đã không ngờ rơi vào cảnh khốn đốn, vì trái bắp thì rất to nhưng không có hạt hoặc hạt bị lép.

Dẫn chúng tôi vào thăm những sào bắp của gia đình trồng, ông Vũ Văn Huynh tâm sự: “Đây là diện tích gia đình tôi nhận khoán của công ty cà phê 734, cũng là lần đầu tiên gia đình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu để mong đảm bảo thu nhập hơn. Theo lời giới thiệu, chúng tôi đã trồng lại giống bắp lai 989, có nguồn giống của công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam. Gia đình tôi đã trồng trong năm, nhưng đến kỳ thu hoạch lại không có hạt hoặc nếu có thì cũng bị lép…Nhìn không muốn thu nữa…”.

Dù bắp đã đến thời gian thu hoạch nhưng vì không có hạt hoặc ít hạn nên vẫn nằm phơi đồng
Dù bắp đã đến thời gian thu hoạch nhưng vì không có hạt hoặc ít hạn nên vẫn nằm "phơi đồng"

Để trồng được hơn 5 sào bắp lai, gia đình ông Huynh đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí và công sức như: Mua bắp giống, phân bón, cày xới, tưới tiêu. Vậy mà đến kỳ thu hoạch bắp cho trái to nhưng lại không có hạt hoặc hạt rất ít. Từ việc này đã làm cho tinh thần ông chán nản và thiệt hại về kinh tế không hề nhỏ.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Huynh đã đến cửa hàng bán hạt giống mình mua để hỏi thăm và mong muốn được tư vấn. Tại đây, ông Huynh nhận được câu trả lời kiểu phán đoán “có thể do thời tiết, thiếu nước…” và tư vấn nên gọi điện về công ty sản xuất hạt giống ghi trên bao bì hỏi sẽ rõ hơn.

Dân hoang mang vì bắp ít hạt, nhiều cây hạt không có hạt
Dân hoang mang vì bắp ít hạt, nhiều cây hạt không có hạt

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích ở huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã mạnh dạn chuyển đổi thì cây lúa nước để trồng thử loại bắp lai 989. Với mảnh vườn gần 600m2 , bà Bích đã bỏ ra hàng triệu đồng để làm đất và mua giống trồng với hy vọng bắp sẽ cho năng suất cao. Nhưng sau hơn 3 tháng thì bà Bích cũng như các hộ dân khác rơi vào cảnh trắng tay khi không có bắp thu bán lấy tiền trả nợ…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Hà cho biết: “Chúng tôi đã nắm thông tin đó và trực tiếp xuống kiểm tra vấn đề bắp lai 989 đến mùa thu hoạch nhưng lại không có hạt rồi. Theo đó, nếu gieo vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 thì giống nào cũng đã cho thu hoạch. Đối với sự việc bắp lai 989 ít hạt có thể do nhiều nguyên nhân. Có thể, lúc bắp phun râu gặp thời tiết không tốt hoặc do biên độ thời tiết xấu dẫn tới mất mùa. Về giống bắp lai 989, có nguồn giống của công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chấp nhận”.

Được biết, sự việc tương tự cũng xảy ra vào vụ Đông – Xuân 2016-2017. Cụ thể, hàng trăm hộ dân ở các phường Thắng Lợi, Thống Nhất, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã rơi vào nghịch cảnh khi trồng giống bắp nếp nù 58. Hơn 3 tháng sau, người dân điêu đứng vì các ruộng đều cho ra bắp bình thường nhưng không có hạt hoặc rất ít hạt. Theo quan sát, bắp nhỏ, hạt cứng không thể ăn được nên người dân chỉ còn cách chặt cây cho bò.

Phạm Hoàng

Nông dân "khóc ròng" vì trồng giống bắp “không hạt” - 3