Trà Vinh:

Nông dân “khóc ròng” vì mía chết hàng loạt do hạn mặn

(Dân trí) - Mới vừa xuống giống được hơn 1 tháng, nông dân trồng mía ở tỉnh Trà Vinh gặp ngay hạn hán – xâm nhập mặn khốc liệt khiến mía chết hàng loạt.

Tỉnh Trà Vinh có diện tích trồng mía khoảng 4.400 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trà Cú và Tiểu Cần. Vụ mía vừa qua, lần đầu tiên trong nhiều năm nông dân có lời khá khi giá mía hơn 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vừa xuống giống vụ mía mới đã gặp ngay hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nên rất nhiều diện tích mía non đã héo rũ, chết khô.

Mía non chết khô ngoài đồng do hạn - mặn

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) ăn ngủ không yên vì 8 công (1 công 1.000 m2) mía mới 1,5 tháng tuổi đang chết dần, chết mòn. Ông Hòa buồn rầu cho biết: “Mía lên được hơn 1 gang tay thì bị cháy lá do đồng ruộng khô và nước mặn. Bây giờ nếu tưới nước thì mía cũng chết mà không tưới cũng chết nên vụ này coi như cầm chắc thua lỗ”.

Mía héo lá, chết dần do xâm nhập mặn
Mía héo lá, chết dần do xâm nhập mặn

Theo ông Hòa, vụ vừa rồi giá mía cao, nông dân kiếm lời hơn 20 triệu đồng/ha nên ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, mới bắt đầu vào vụ mía đã bị cảnh mía non chết hàng loạt coi như trắng tay. Một số hộ xuống giống đến 2 lần vẫn bị chết nên đành để đất trống cho qua mùa hạn mặn.

Ông Hòa bên ruộng mía chết khô của mình
Ông Hòa bên ruộng mía chết khô của mình

Gia đình ông Thạch Sanh, ngụ xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) trồng 13 công mía cũng bị thiệt hại hơn 70%. Ông Sanh ngao ngán cho biết: “Khi mới xuống giống hơn 1 tháng thì mía bị héo lá gần hết rồi từ từ hư cả thân cây. Mấy chục năm qua, lần đầu tiên mới thấy thời tiết khắc nghiệt đến như vậy”.

Ông Phùng Văn Hùng, trưởng ấp Chợ (xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) cho biết: “Vụ này toàn ấp đã xuống giống 117 ha, do bị xâm nhập mặn nên đã thiệt hại khoảng 53 ha, diện tích còn lại cũng đang “gồng mình” với nước mặn không biết cầm cự được bao lâu. Vùng đất trồng mía của bà con trong ấp là đất cát pha nên mỗi năm đều trồng mía mới chứ không lưu gốc như một số vùng khác. Bởi vì nếu lưu gốc thì vụ sau sẽ bị đuông ăn, năng suất không cao”.

Theo ông Hùng, một số hộ đã chuyển sang đào ao nuôi cá lóc nhưng cũng bị thiệt hại. Nếu như trước đây một năm có 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt thì gần đây mỗi năm chỉ còn 4 tháng nước ngọt nên tình hình sản xuất của bà con rất khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải làm từ từ và lâu dài vì còn thiếu đủ thứ như: vốn, kỹ thuật canh tác… Hiện tại có một số hộ đã chuyển sang trồng dừa, nuôi tôm thẻ chân trắng, cá… để phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Cánh đồng mía bị thiệt hại do hạn - mặn
Cánh đồng mía bị thiệt hại do hạn - mặn

Theo thống kê của UBND xã Lưu Nghiệp Anh, vụ này toàn xã đã xuống giống 1.600 ha, diện tích thiệt hại từ 30 đến 70% khoảng 250 ha do hạn hán – xâm nhập mặn. Ông Phan Thanh Thảo, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Lưu Nghiệp Anh cho biết: “Hiện tại địa phương đang thống kê lại diện tích mía bị thiệt hại do hạn hán – xâm nhập mặn để gửi báo cáo về trên nhằm có chính sách hỗ trợ bà con. Một số hộ đã xuống giống lần 2 nhưng vẫn bị chết nên đành phải đợi tới mùa mưa nhưng khi đó đã trễ vụ và nguồn mía giống thiếu hụt…”.


Mía chết khô, nông dân bỏ đất trống để chờ mưa xuống mới xuống giống.

Mía chết khô, nông dân bỏ đất trống để chờ mưa xuống mới xuống giống.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 1.000 ha mía bị ảnh hưởng do hán hán – xâm nhập mặn, trong đó rất nhiều diện tích bị thiệt hại 100%. Dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn còn rất phức tạp nên diện tích thiệt hại sẽ tiếp tục tăng, nông dân trồng mía đã gặp khó ngay từ đầu vụ và nhiều hộ không còn vốn để đầu tư tái sản xuất.

Minh Giang

Nông dân “khóc ròng” vì mía chết hàng loạt do hạn mặn - 5