Mía đường lo ngọt thành... đắng!
Việc tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu... Ngành này được dự báo sẽ gặp tình cảnh “đắng nhiều hơn ngọt” do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới…
Nguy cơ bị nhấn chìm
Trong các nước tham gia TPP có Australia là nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới. Trong khi chi phí sản xuất đường của Australia khoảng 20 USD/tấn thì chi phí này ở ta là khoảng 55-60 USD/tấn. Theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), chỉ cần nhìn vào các con số này cũng cho thấy gia nhập TPP thì mía đường của ta sẽ khó cạnh tranh như thế nào ngay trên sân nhà khi “mở cửa”.
Bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: Chưa tính tới việc tham gia TPP thì từ năm 2018, Việt Nam cũng sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường từ ASEAN theo cam kết hội nhập. Khi đó, việc nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng và thuế suất thuế nhập khẩu chỉ còn 5% (thay vì 30% như hiện nay).
Với TPP, theo bà Hà chậm nhất đến năm 2018, hiệp định này cũng sẽ có hiệu lực với việc gỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu cùng với thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm xuống. Khi đó, không chỉ đường Thái mà đường Australia, Mỹ… cũng sẽ tăng cạnh tranh và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường sản xuất trong nước. “Có thể nói, đây là sân chơi đòi hỏi ngành đường phải có sự chuẩn bị bài bản và quyết tâm lớn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh vững vàng hơn” - bà Hà nhấn mạnh.
Ông Đỗ Thành Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam tỏ ra lo lắng, mía đường có thể “thất thế” ngay tại thị trường nội địa. Ông Liêm cho biết, giá thành sản xuất mía trong nước hiện rất cao. “Trong cơ cấu giá mía, chỉ tính riêng công lao động đã chiếm 20% giá thành. Công thuê chặt mía đã mất 170.000-180.000 đồng/tấn mía thì làm sao hạ được giá thành, cạnh tranh nổi khi hội nhập”- ông Liêm nói.
TS Phạm Quốc Doanh - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp T.Ư thì thẳng thắn cho rằng, hội nhập đã cận kề, song các địa phương còn chưa vào cuộc với ngành mía đường. “Nếu chúng ta cứ 4 không: Không cơ giới hóa, không làm cánh đồng mẫu lớn, không quy hoạch lại ruộng mía và không liên kết nhà máy mía với nông dân thì nguy cơ đường nội “chìm” khi TPP có hiệu lực là khó tránh”- ông Doanh nói.
Thách thức hạ giá thành sản xuất
Một đại diện doanh nghiệp mía đường cho biết, trong 12 nước thành viên TPP, giá thành sản xuất đường Việt Nam cao hơn rất nhiều so với cả 11 nước còn lại. Nếu như ở các nước thuộc khu vực ASEAN, năng suất mía đạt 120-140 tấn/ha, thì Việt Nam chỉ đạt được 70 tấn/ha.
Chữ đường trong mía Việt Nam cũng thấp, chỉ đạt 9-10% trong khi của các nước thành viên TPP là 12-13%. Các nước TPP đã có công nghệ chế biến đường hiện đại, còn ta chỉ có 1/3 số doanh nghiệp lớn được trang bị các máy móc tiên tiến, còn lại đa phần các doanh nghiệp mía đường đều sử dụng công nghệ lạc hậu. Đây chính là yếu tố khiến ngành mía đường nội địa khó cạnh tranh khi hội nhập sâu.
Theo GS Võ Tòng Xuân, ngành mía đường Việt Nam đang yếu thế trên mọi mặt, đó là thực trạng mà các doanh nghiệp, Hiệp hội Mía đường và các nhà quản lý cần thẳng thắn nhìn nhận để đối mặt với những thử thách khi lộ trình cam kết hội nhập ASEAN và cả TPP đã cận kề.
Doanh nghiệp mía đường phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, giảm chi phí đi đôi với tăng năng suất thì mới tăng được tính cạnh tranh ngay trên sân nhà. “Hiệu quả mà các nước trồng mía trên thế giới có được không chỉ nhờ kỹ thuật hiện đại mà nhờ vào những biện pháp canh tác hết sức đơn giản. Gia nhập TPP chúng ta hãy học chính các nước như Mỹ, Australia… về cách trồng mía và làm đường để vươn lên”- GS Xuân cho biết.
Hầu hết đại diện các doanh nghiệp mía đường đều nhận định, gia nhập TPP, bên cạnh những khó khăn, thách thức nêu trên, ngành mía đường cũng có cơ hội đáng kể để cải thiện tình hình sản xuất trong nước.
Cụ thể, ngành mía đường có thể tận dụng thuế suất xuất khẩu 0% từ 11 quốc gia có nền công nghiệp phát triển, ngành mía đường Việt Nam có cơ hội nhập khẩu máy móc hiện đại phục vụ cho chế biến. Hay nhập giống từ các nước như Australia để cải thiện tình hình giống mía trong nước. Việt Nam và Australia mới đây đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác thời hạn 10 năm giữa Viện Nghiên cứu đường Australia SRA) và Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam (SRI). Theo đó, các nhà nghiên cứu mỗi quốc gia sẽ cung cấp cho bên đối tác một danh sách 10 loại giống mía đường để trao đổi. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho hai nước trong việc hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng cho cây mía.
Lập Hội đồng điều phối ngành đường
Để đối mặt với những thách thức đón đầu, Bộ NNPTNT cho biết, đã đề ra một số giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu. Cụ thể như chuyển đổi giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng lúa kém hiệu quả; quy hoạch phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, tạo nên các cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh; đưa các giống tốt, chất lượng tốt về Việt Nam khảo nghiệm, sản xuất...
Ngoài ra là chú trọng đến đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và tận thu thế phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nguồn nhân lực tốt và tăng cường hợp tác quốc tế. Đặc biệt Bộ NNPTNT sẽ đề xuất thành lập Hội đồng điều phối ngành đường để bám sát tình hình và có ứng phó kịp thời.
Hải Quỳnh
Ông Lê Văn Tới - Tổng giám đốc Công ty cP Mía đường Nông Cống (Thanh Hóa): Khó làm cơ giới hóa
Doanh nghiệp chúng tôi đang lo lắng làm sao để tìm cách nâng cao năng suất từ đồng ruộng đến công suất nhà máy, hạ thành giá chi phí giá thành sản phẩm. Từ đó mới có thể yên tâm hội nhập. Tôi cho rằng, một trong những yếu tố khiến giá thành sản xuất mía, đường của ta cao là do diện tích trồng mía theo đầu hộ thấp.
Nếu như ở Thái Lan trung bình diện tích 4-5ha mía/hộ dân, thì Việt Nam hộ dân có diện tích mía cao nhất mới là 1-2ha, vùng đồng bằng chỉ từ 500-1.000m2. Điều này khiến quá trình cơ giới hóa, thâm canh cánh đồng mẫu lớn khó. Trong khi đó, năng suất mía thấp dẫn đến giá thành cao. Hiện tại, chi phí sản xuất ra một kg đường của Công ty cổ phần Mía đường Nông Cống là từ 11.000-12.000 đồng, trong khi đó giá thành bán ra là 12.000 - 13.000 đồng/kg, rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Quang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam: Cơ hội lớn cho hợp tác
Bên cạnh những khó khăn thì tôi cho rằng ngành mía đường vẫn có những cơ hội hợp tác với các nước TPP để vươn lên. Ví dụ Viện nghiên cứu chúng tôi vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác thời hạn 10 năm giữa Viện Nghiên cứu đường Australia (SRA) về trao đổi giống mía.
Tôi cho việc hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, mặc dù ngành mía đường ở Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Australia. Chúng ta vẫn nói năng suất mía của ta thấp. Do đó việc hợp tác như thế này sẽ giúp Việt Nam cải thiện các giống mía; nghiên cứu các bệnh và sâu bệnh hại mía cũng như các vấn đề khác...
Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban chính sách Nông nghiệp và phát triển nông thôn –Viện quản lý kinh tế T.Ư: Tận dụng phụ phẩm
Để ngành mía đường vươn lên cạnh tranh được với các nước, tôi cho không có cách nào khác là ngành này phải giảm giá thành xuống. Trong canh tác mía, các địa phương, doanh nghiệp phải xắn tay vào hỗ trợ nông dân bằng cách quy hoạch lại vùng trồng mía, xây dựng lại đồng ruộng để đưa cơ giới hóa vào.
Các địa phương cũng phải tìm kiếm, hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu cơ giới hóa thích hợp với cây mía cho từng vùng đất nói chung, vùng nào kém hiệu quả cần mạnh dạn bỏ trồng mía. Bên cạnh đó, các nhà máy đường phải lưu tâm đến những phụ phẩm sau đường. Rút kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới, các doanh nghiệp sử dụng phụ phẩm thì tiền lãi thu được là khá lớn có thể bổ sung trở lại vào giá mía cho người nông dân, giúp nông dân yên tâm tạo vùng nguyên liệu cho mình. Nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ như ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này.
Kiều Linh - Anh Đức - Nguyễn Phương (ghi)
Theo Mai Hương
Dân Việt