ĐBSCL:
Nông dân "khóc ròng" vì cá tra, basa rớt giá mạnh
(Dân trí) - Những ngày gần đây nông dân nuôi cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL đang lo lắng và than trời vì cá rớt giá mạnh, tháng trước mới 26000đ/kg thì nay chỉ còn 22000đ/kg.
Tại Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu loại 1 chỉ còn ở mức 24.000 đồng/kg; cá loại 2 khoảng 23.000 đồng/kg, loại 3 khoảng 22.000 đồng/kg.Với giá này người nuôi lỗ từ 1000-1500đ/kg.
Cá tra, basa đang rớt giá mạnh
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Hậu Giang. Hiện, giá cá tra thu mua tại Hậu Giang cũng chỉ ở mức còn 22.000 - 23.500 đồng/kg. Theo số liệu của Sở Công Thương An Giang, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu các loại tuần từ 30/3 – 5/4/2012 tại An Giang dao động ở mức từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, giảm từ 200 - 500 đồng/kg tùy loại, tương đương giảm 1 - 2%. So với cùng kỳ năm trước, giá cá đã giảm tới 8 - 10% tùy loại.
Ông Trần Văn Hon, ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết: gia đình ông nuôi khoảng 15000m2 diện tích mặt nước, hiện cá đang ở thời kỳ lớn rất nhanh, tuy nhiên những ngày gần đây cá rớt giá mạnh, tôi rất lo lắng. Nếu tình hình này kéo dài có thể nhiều hộ nuôi sau khi bán cá xong sẽ “treo ao”, bỏ nghề hàng loạt.
Nông dân Nguyễn Văn Tuấn - ở Cái Chanh- Hậu Giang than thở: “Tôi nuôi 2 ao cá khoảng khoảng 6000m2 diện tích mặt nước. Một ngày cá ăn hết khoảng 5 tấn thức ăn tương đương với số tiền là 60 triệu. Cá đang tới lứa bán, vậy mà giá rớt, người mua thì cầm chừng khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và thua lỗ nặng”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chúng tôi đang gặp khó khăn và lỗ nặng vì cá rớt giá
Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Cá tra rớt giá là do ngân hàng thắt chặt tín dụng nên doanh nghiệp không có tiền để mua cá. Một số doanh nghiệp có tiền mua cá thì cố gắng ép giá cá xuống càng thấp càng tốt. Người nuôi cá thì kiên quyết bán và thu tiền luôn, chấp nhận giá thấp hơn do thời gian gần đây rất nhiều doanh nghiệp thủy sản nợ kéo dài dẫn đến thưa kiện”.
Theo thống kê, hiện toàn vùng chỉ còn khoảng 30% số hộ theo nghề nuôi so với trước, còn lại chuyển qua nuôi cá giống, cho doanh nghiệp thuê đất, chuyển sang nuôi các thủy sản khác... Số người bám trụ với nghề thì nuôi cầm chừng và có nguy cơ treo ao.
Phạm Tâm