Đắk Lắk:

Nông dân đòi Muaban24 trả lại tiền “trót dại” mua gian hàng

(Dân trí) - Người nông dân nghèo ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk đã chính thức lên tiếng đòi Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến Muaban24 trả lại số tiền mà họ “trót dại” mua “gian hàng điện tử” của công ty này.

Trao đổi với báo giới, Thượng tá Cao Thành Vinh - Trưởng phòng cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện cơ quan công an đang xác minh làm rõ 2 vấn đề - lợi ích của người dân khi mua gian hàng và nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước của MB24.
 
Một hội viên bất đắc dĩ của Muaban24 (trái) trao đổi với PV
Một "hội viên" bất đắc dĩ của Muaban24 (trái) trao đổi với PV

 

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tnhr Đắk Lắk bắt nguồn từ việc hàng trăm người dân tỉnh này đã bỏ tiền mua các “gian hàng điện tử” của Muaban24, dẫn đến nợ nần.

 

Sau khi sự việc được báo chí phản ánh, ông Lê Hữu Thịnh - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đã chính thức có văn bản gửi Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Công thương tỉnh này đề nghị làm rõ vụ việc.

 

Anh Dương Hoàng Cường (thôn 11, xã Ea Ô, Ea Kar, Đắk Lắk) cho biết: “Tôi cũng như bao người nông khác không hề biết gì về mua bán trên mạng, một phút nhẹ dạ nay mất trắng 12.600.000 đồng. Sự việc quá vô lý, nay mong muốn các ban ngành liên quan sớm vào cuộc điều tra làm rõ sự tình, chúng tôi muốn lấy lại số tiền đã mất, được phần nào hay phần đó, chứ mất trắng như vậy xót lắm”.

 

Cũng như anh Cường, ông Chu Văn Khang (thôn 5B, xã Ea Ô, Ea Kar, Đắk Lắk) mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc đòi lại công bằng cho những nông nghèo chất phác như ông.

 

“Tôi chỉ mong lấy lại số tiền gốc 4 triệu đồng đã mua “GHĐT” MB24, còn lãi tôi chịu. Không có mua bán gì được trên đó, tôi nghĩ quyền lợi của tôi cũng là quyền lợi của nhiều người, mất trắng 4 triệu đồng rồi phải nai lưng đóng lãi đau lắm”, ông Khang nói.

 

Theo Luật sư Tạ Quang Tòng - Trưởng Văn phòng luật sư THT tại Đắk Lắk cho biết, xét dưới góc độ pháp luật dân sự, do công ty mẹ chưa có giấy phép đăng ký hoạt động sàn Giao dịch thương mại điện tử nên hoạt động của công ty con (chi nhánh Đắk Lắk) là chưa đúng quy định pháp luật.

 

Cho nên, giao dịch mua “gian hàng điện tử” giữa người dân với công ty là vô hiệu. Người dân có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu và đòi lại tiền theo quy định của pháp luật.

 

 

Viết Hảo