1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nông dân nghèo - Muaban24 và những chuyện cười ra nước mắt

(Dân trí) - “Tiệc khoảng 3 mâm, mời khoảng trên 30 người. Làm mấy anh em vào rồi thì càng tin, ai chưa vào thì củng cố lòng tin…”, một nông dân chua xót kể về bữa tiệc khao “lên VIP” của một hội viên Muaban24, bước ngoặt khiến anh bước vào mạng lưới này.

“Làn sóng văn minh thương mại điện tử” tràn về xã Ea Ô (Ea Kar, Đăk Lăk) với nhiều ý niệm mới mẻ và những lời đường mật rót vào tai những người dân nghèo cả đời chưa biết đến cái máy tính nơi đây.

 

Từ người mổ heo, đến người đi rẫy đều không khỏi chao chạnh trước sự xuất hiện của một phương pháp làm ăn mới, cùng những lời cam kết nếu làm tốt sẽ kiếm hàng trăm triệu chỉ sau vài tháng tham gia. Nhiều người đã vay tiền mua gian hàng của Muaban24, và đó cũng là điểm khởi đầu của những hệ lụy buồn.
 
Nông dân nghèo - Muaban24 và những chuyện cười ra nước mắt
Vợ chồng anh Dương Hoàng Cường, thôn 11, xã Ea Ô, Ea Kar, Đắk Lắk chỉ biết mổ heo bán ở chợ cũng mua 3 “GHĐT” MB24.

 

“Số tiền này vợ chồng tôi ky cóp cho con đi học, một phút nhẹ dạ nghe tiếp thị MB24 lôi kéo mua gian hàng rồi sẽ mua hàng rẻ trên đó cả đời, tin theo giờ mất trắng 12.600.000” đồng…”, anh Dương Hoàng Cường, thôn 11, xã Ea Ô, Ea Kar, Đắk Lắk nói.

 

Vợ chồng anh Cường quanh năm chỉ biết mổ heo đem chợ bán mất trắng 12.600.000 đồng vì mua 3 “gian hàng điện tử” MB24 (GHĐT). Anh cho biết mỗi gian là 5,2 triệu đồng, sau khi trừ các khoản anh đóng vào 12.600.000 đồng để mua 3 gian.

 

Anh Cường bần thần nhớ lại: “Khi đó nhân viên môi giới dẫn đi gặp một số chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số đã mua “GHĐT”, số chị em này bảo làm ăn được, nếu mua gian hàng trung bình mỗi ngày được triệu hoặc hơn triệu. Thấy các chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số mà làm được như vậy tôi cũng tham gia đăng ký mua. Ý định ban đầu của tôi là mua 1 “GHĐT” nhưng tiếp thị MB24 bảo mua ít nhất là 3 “GHĐT” rồi sẽ hỗ trợ thêm cho đủ 99 “GHĐT” để nhanh lên “VIP”.

 

“Các tiếp thị MB24 nói khi đăng ký mua “GHĐT” rồi thì cần mua hàng gì gọi điện thoại sẽ có người mang hàng đến, hàng trên đó rẻ gần một nửa. Nghe vậy tôi “kết” quá. Sau khi đăng ký mua 3 “GHĐT” nhưng không mua được hàng hóa trên đó tôi liền điện thoại hỏi một tiếp thị MB24 thì được trả lời 12.600.000 đồng mua 3 “GHĐT” của anh chẳng qua chỉ thuê gian hàng thôi chứ anh chưa có tài khoản. Nếu muốn có tài khoản anh phải giới thiệu thêm khách. Cứ giới thiệu được một khách anh sẽ được 1,5 triệu đồng. Sau đó tôi cũng chẳng giới thiệu được ai, bật tỉnh mình đã bị lừa”, anh Cường tiếc của.

 

Để tăng tính thuyết phục, một tiếp thị MB24 tên T. (xã Cư Yang, Ea Kar) còn mở tiệc mời anh em đến “chiêu đãi” với lý do lên “VIP” chỉ sau 3 tháng được 110 triệu đồng. “Khoảng 3 mâm, mời khoảng trên 30 người. Làm mấy anh em vào rồi thì càng tin, ai chưa vào thì củng cố lòng tin…”, anh Cường nói.

 

Ông Chu Văn Khang năm nay đã 48 tuổi, quanh năm chỉ quen tay làm rẫy, nhà tít xa trong thôn 5B, xã Ea Ô (Ea Kar, Đắk Lắk), từ trung tâm xã Ea Ô vào đến nhà ông cũng gần cả giờ đồng hồ. Dân cư ở đây thưa thớt, nhà cách nhà đến vài trăm mét, không có internet, ông Khang hoàn toàn không biết gì về bán hàng trên mạng, thế nhưng, vì nhẹ dạ ông “vay nóng” 4 triệu đồng mua một “GHĐT”, lãi suất đến 9%, mỗi tháng trả lãi hơn 300.000 đồng.

 

Ông kể: “Nghe tiếp thị bảo bác cứ sang đây kiếm tiền dễ lắm, nhanh lắm. Nghe nói vậy tôi cũng xiêu lòng. Cô bé tiếp thị bảo mua “GHĐT” rồi mình muốn mua cái gì trong “GHĐT” thì ấn vào đó như một cái xe máy, hàng hóa các loại…. sẽ có người mang về đến tận nhà”.

 

Ông Khang cho biết, một gian 5,2 triệu đồng, nhưng trừ các khoản rồi ông đóng 4 triệu đồng mua một “GHĐT”, sau đó ông cũng đi giới thiệu thì bà con nói không tham gia được, rồi Công an xã Ea Ô thông báo là đã bị lừa.

 

“Tôi nghĩ mình đã bị lừa chứ giờ lại đi giới thiệu người khác mắc mưu tiếp thì mang tội nên tôi nghỉ luôn”, ông Khang thức tỉnh.

 

“Lâu quá không thấy tui liên lạc con bé tiếp thị cứ điện giục kiếm người đưa vào mua gian hàng để kiếm tiền nhưng tui bảo không đi làm nữa. Nó thuyết phục bây giờ bác đi gây dựng đi, sau này mình là người đầu tiên sẽ giúp những người khác có gian hàng như mình. Cứ lên được 100 gian hàng thì có cả trăm triệu đồng”, ông Khang nói về cách thuyết phục của tiếp thị.

 

Ông Khang còn cho biết, thôn 7A, 7B xã ông có người bán mấy tấn thóc, vay đến 12 triệu tiền “nóng” để mua mấy gian hàng rồi trả lãi ngắc ngoải, vụ việc vỡ lở chỉ biết kêu trời, gia đình lâm vào cảnh nợ nần rồi sứt mẻ tình cảm.

 

Ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) còn có trường hợp chồng chị Nông Thị Huệ mua cả 2 “GHĐT” dù không biết gì về vi tính. Số tiền bán đất được định trả nợ, chồng chị Huệ đem đi mua 2 “GHĐT”, bây giờ không có tiền trả nợ, nợ nần lại chồng chất.  

 

Lọt tai chiêu tiếp thị “trao tiện ích, nhận thành công”, mong làm giàu nhanh chóng, chị Trần Thị Dung (thôn 9, xã Ea Ô) cũng “vay nóng” mua 2 “GHĐT” trong khi gia tài không có đáng giá ngoài chiếc ti vi.

 

Ông Võ Huy Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk cho biết việc mua bán của MB24 là bất bình thường, không thực tế. “Xã đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xã không tham gia mua bán “GHĐT” của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến, không nghe theo lời giới thiệu mua “GHĐT” của các tiếp thị MB24 nhằm hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại cho bà con nông dân”, ông Khôi nói.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm