"Nóng" chuyện đại tá Phùng Quang Hải thôi chức và T&A Ogilvy tài trợ Vinastas

(Dân trí) - Những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng về việc chống tham nhũng, nhóm lợi ích, sân sau; biến động nhân sự cấp cao tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tranh cãi "ai thực sự đứng sau khảo sát nước mắm"... là những vấn đề kinh tế nổi bật tuần qua.

Những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng

Thủ tướng yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ (ảnh: VGP)
Thủ tướng yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ (ảnh: VGP)

Chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại phiên chất vấn vừa qua với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã đặt vấn đề về “văn hóa từ chức” tại phiên họp này.

Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng...

Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ yêu cầu: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Mới đây, tới dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", “duyệt-cấp", lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi...

Theo đó, “phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm. Không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực”.

Đại tá Phùng Quang Hải từ chức và những thông tin đáng chú ý về nhân sự

Tuần vừa qua, Tổng công ty 319 đã tổ chức Hội nghị bàn giao chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên giữa ông Phùng Quang Hải với ông Trần Đăng Tú.

Đại tá Phùng Quang Hải thôi chức Chủ tịch Tổng công ty 319
Đại tá Phùng Quang Hải thôi chức Chủ tịch Tổng công ty 319

Bên cạnh đó, một thông tin nổi bật khác đó là, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định số 4698/QĐ-BCT ngày 1/12/2016 áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy sau hơn 1 tháng ông này “mất tích” không đến cơ quan.

Bộ Công Thương cũng vừa có chỉ thị, yêu cầu các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty... trong ngành Công Thương kê khai, công khai tài sản, thu nhập năm 2016. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2014, mức lương lãnh đạo cấp cao của các công ty Nhà nước do Bộ này quản lý dao động trong khoảng từ 38 đến 74 triệu đồng/tháng.

Trong khuôn khổ cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, đặt vấn đề với người phát ngôn Bộ Công Thương – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, PV Dân Trí hỏi: quá trình sắp xếp, cải tổ sắp tới, Bộ Công Thương liệu có dám đụng đến "con ông, cháu cha"? Thứ trưởng Vượng trả lời: "Đương nhiên với việc giảm số đầu mối như vậy thì sẽ phải sắp xếp lại về con người. Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương sàng lọc đánh giá lại đội ngũ cán bộ, bố trí những người có tâm huyết, tài năng, trí tuệ vào đúng vị trí, đáp ứng được mong muốn của người dân, công luận".

Đại diện Bộ Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận, "Thời gian vừa qua có nhiều dư luận không được tích cực đánh giá bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả, nên đây là dịp để Bộ Công Thương cũng như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xây dựng sắp xếp lại bộ máy của Bộ sao cho gọn nhẹ và hiệu quả hơn".

Ai đứng sau tài trợ chương trình khảo sát nước mắm?

Đầu tuần qua, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) đã đăng công văn xin lỗi người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm và các cơ quan quản lý về sự cố nước mắm. Tổ chức này thừa nhận, nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa được thận trọng, rõ ràng, trong đó có việc đồng nhất khái niệm Arsen với thạch tín không đúng theo Từ điển Bách khoa Việt Nam đã tạo điều kiện cho việc đưa ra các thông tin ban đầu gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm.

Câu chuyện nước mắm tiếp tục được xới lên trong tuần qua
Câu chuyện nước mắm tiếp tục được "xới" lên trong tuần qua

Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này với báo giới, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hoạt động khảo sát nước mắm của Vinastas được thực hiện dưới sự tài trợ của Cty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không đảm bảo tính độc lập theo quy định...

Tuy nhiên, T&A Ogilvy thực tế là một công ty truyền thông, hoạt động theo những hợp đồng của các doanh nghiệp cụ thể khác. Vậy “nhà tài trợ” thực chất cho hoạt động sai phạm của Vinastas trong hoạt động này là đơn vị, doanh nghiệp nào? Câu hỏi này được gửi tới Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng song vị này trả lời vòng vo và rốt cuộc không đề cập đến việc doanh nghiệp thực sự đứng đằng sau tài trợ cho hoạt động khảo sát, công bố chất lượng nước mắm của Vinastas.

Về T&A Ogilvy, đây là một đơn vị truyền thông có tiếng ở Việt Nam, và từng có thời gian được dẫn dắt bởi ông Nguyễn Thanh Sơn - vốn có biệt danh "phù thuỷ marketing".

Trong bức thư phản hồi gửi tới báo chí do Chủ tịch Ogilvy Việt Nam là ông Alan Couldrey ký, Ogilvy Việt Nam cho biết, công ty đã trao đổi về kết quả nghiên cứu của Vinastas và toàn bộ quá trình này được thực hiện đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, theo phản hồi này, Ogilvy Việt Nam đã quyết định không sử dụng nội dung báo cáo của Vinastas với lý do "xét thấy kết quả nghiên cứu có thông tin gây tranh cãi”.

Câu chuyện ai đứng sau Ogilvy vẫn tiếp tục được đặt ra. Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, "một công ty với chức năng truyền thông sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn chỉ vì một cuộc khảo sát một sản phẩm không phục vụ mục đích kinh doanh của mình rõ ràng thật khó có sức thuyết phục vì mối quan hệ nhân quả của nó. Nếu chỉ dừng lại việc T&A Ogilvy tài trợ cho chiến dịch truyền thông này thì chưa nói lên được điều gì",

“Nóng” tình hình quản lý thị trường cuối năm

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố và Cục Thuế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu.

Tình hình nhập khẩu ô tô giai đoạn cuối năm diễn biến phức tạp (ảnh mang tính minh họa)
Tình hình nhập khẩu ô tô giai đoạn cuối năm diễn biến phức tạp (ảnh mang tính minh họa)

Bộ này sau đó có văn bản hỏa tốc gửi Tổng cục Hải quan làm rõ, đề nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ việc việc cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước như: làm giả hóa đơn, chứng từ hải quan, lừa gạt khách hàng trong hoạt động nhập khẩu, buôn bán xe ô tô của một doanh nghiệp tại TP.HCM.

Doanh nghiệp bị nêu tên là Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu (có chi nhánh tại P.Tân Phú, Quận 7, TP.HCM chuyên phân phối xe ô tô tại Việt Nam. Sai phạm của công ty này được Bộ Tài chính khui ra trong quá trình thanh kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Euro Auto đã có văn bản phản hồi, trong đó khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn minh bạch trong các báo cáo tài chính và tuân thủ rất nghiêm ngặt các yêu cầu về thuế và luật pháp hiện hành”. Phía DN cho rằng, ngay cả trong trường hợp các giải trình của doanh nghiệp này không được chấp nhận, họ được quyền bảo lưu quyền được yêu cầu sự hỗ trợ và can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2016, vừa diễn ra tại Hà Nội tuần qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô cũng cho biết gặp nhiều vướng mắc về thủ tục thuế, hải quan. Thậm chí có doanh nghiệp cho rằng, với chính sách truy thu như hiện nay chắc chắn chỉ còn nước phá sản.

Tại thị trường hàng tiêu dùng, do năm nay Tết sớm nên ngay từ thời điểm hiện tại, những đặc sản Tết đã bắt đầu được mua bán sôi động trên thị trường như dừa thư pháp với giá bán từ 300.000 đến 500.000 đồng/quả; Chim trĩ 7 màu biếu Tết: Gần 20 triệu đồng/cặp, muốn mua vẫn phải chờ; gà Đông Tảo 25-30 triệu đồng/con...

Ở một góc khác, gần đây còn xuất hiện gà không đầu, không chân giá rẻ bán đầy Hà Nội. Giá chỉ 130.000 đồng/con gà quay hoặc luộc, nửa con giá nửa tiền,... loại gà không đầu, không chân có giá bán siêu rẻ đang được bày bán tràn lan tại chợ, dưới mác gà ta thả vườn.

Tuy nhiên, theo một mối đổ buôn gà thải loại ở một khu chợ đầu mối lớn ở Hà Nội tiết lộ thì, gà không đầu, không chân được quay vàng ươm bán khắp chợ Hà Nội không phải là gà mía hay gà ta thả vườn. “Chúng là gà thải loại của Hàn Quốc được nhập về Việt Nam dưới dạng đông lạnh”.

Bích Diệp (tổng hợp)