Nới lỏng tín dụng để giải phóng hàng tồn bất động sản
(Dân trí) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chính thức cho biết: Cùng với quyết định giảm lãi suất xuống 12%/năm kể từ hôm nay, NHNN cũng xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý khoản vay không trả nợ đúng hạn và nới tín dụng phi sản xuất, trong đó có bất động sản.
Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc? (ảnh minh họa).
Sáng nay 11/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo Công bố quyết định hạ lãi suất. Một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp là ngành ngân hàng sẽ tập trung xử lý cơ cấu tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa.
Các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu, tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.
Chủ động nới rộng van tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD phải tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng, kịp thời phát hiện khách hàng có biểu hiện khó khăn trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạ chế rủi ro phát sinh và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, quyết liệt xử lý nợ xấu, không được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chưa phù hợp với quy định của pháp luật nhằm che giấu nợ xấu.
Theo khẳng định từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Với chủ trương mới này, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng sẽ được mở hết, chỉ trừ dư nợ tiêu dùng ở nước ngoài bao gồm du lịch, chữa bệnh, du học.
Lý giải nguyên nhân mở van tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Thống đốc cho biết dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay bất động sản hiện chỉ trên dưới 10% nhưng dư nợ trong hệ thống ngân hàng có đảm bảo bằng bất động sản rất lớn, khoảng 60%. Đây chính là lý do cần từng bước tháo gỡ khó khăn cho tín dụng bất động sản, nhất là khi nhu cầu nhà ở của người dân lớn và mặt bằng giá nhà đã đến mức hợp lý để người dân mua vào.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình kỳ vọng, mở tín dụng sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế. “Nếu lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ một phần thì nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được tháo gỡ như: xi măng, sắt thép và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng”, Thống đốc nói.
Ngược lại, với lĩnh vực chứng khoán, theo Thống đốc Bình, dư nợ cho vay chứng khoán không khuyến khích do đây là thị trường vốn dài hạn nên không thể sử dụng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng để đầu tư.
Tuy nhiên, Thống đốc Bình tin rằng không cần vốn từ ngân hàng thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ tăng trưởng được do thừa hưởng những yếu tố tích cực từ nền kinh tế như lạm phát và lãi suất giảm. Theo dự báo của ông Bình, thị trường chứng khoán sẽ không tăng điểm nhanh nhưng phát triển bền vững thời gian tới.
Nói về nợ xấu của ngành ngân hàng, Thống đốc Bình cho biết: Nợ xấu có chiều hướng tăng lên trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đầu năm nợ xấu là 3,2%, đến nay là 3,6%, tại một số TCTD nợ xấu còn cao hơn nhiều.
Do đó, các ngân hàng cần chủ động cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp để giúp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
Nguyễn Hiền