1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nỗi đau chứng khoán: Thành quả hàng tháng trời bị "thổi bay" trong ít phút

Mai Chi

(Dân trí) - Rất nhiều nhà đầu tư trải qua ngày cuối tuần "đen tối" với việc chứng khoán giảm sâu nhất hơn 3 tháng qua. Cú "đánh úp" cuối phiên khiến nhiều người không kịp trở tay, tài khoản "bốc hơi" nhanh chóng.

Ngày 3/12 là một phiên giao dịch đáng quên với giới đầu tư chứng khoán. VN-Index vẫn giằng co đi ngang trong gần suốt giao dịch với thanh khoản xuống thấp nghiêm trọng so với những phiên trước.

Theo đó, điều gì đến cũng đã phải đến. Sau 14h, lực bán kích hoạt trên diện rộng khiến tâm lý nhà đầu tư rơi vào hoảng loạn. Lệnh bán thị trường (MP) ồ ạt khiến chỉ số lao dốc không phanh từ vùng 1.480 điểm xuống sát vùng 1.440 điểm. Đặc biệt là trong đợt khớp lệnh giá đóng cửa (ATC), lệnh ATC được kê dồn dập khiến giá cổ phiếu lao dốc mất kiểm soát.

Nỗi đau chứng khoán: Thành quả hàng tháng trời bị thổi bay trong ít phút - 1

Cú rơi cuối phiên của chỉ số khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng (Ảnh chụp màn hình).

VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.443,32 điểm ghi nhận thiệt hại 38,73 điểm tương ứng 2,61%. Với phiên giảm này, VN-Index đã đánh bay mọi nỗ lực tăng trưởng trong tháng 11 của chỉ số và cũng là phiên giảm mạnh nhất trong 3 tháng qua. VN30-Index giảm tới 36,9 điểm tương ứng 2,4% về sát ngược 1.500 điểm, đóng tại 1.503,98 điểm.

HNX-Index giảm 8,96 điểm tương ứng 1,96% còn 449,27 điểm; UPCoM-Index giảm 2,44 điểm tương ứng 2,13% còn 112,11 điểm.

Thị trường "tan hoang" với 915 mã giảm, 53 mã giảm sàn. Phía tăng chỉ có 305 mã và bất ngờ là vẫn có tới 88 mã tăng trần. Thực tế là tất cả chỉ số trên thị trường đều lao dốc, bên cạnh VN30-Index thì VNMID-Index cũng bị đánh bay 73,09 điểm tương ứng 3,51%; VNSML-Index giảm 50,34 điểm tương ứng 2,41%.

Với việc giá cổ phiếu "chiết khấu" mạnh nên thanh khoản có phần cải thiện, song không đáng kể. Giá trị giao dịch trên HSX đạt 32.864,07 tỷ đồng, khối lượng giao dịch gần 1,1 tỷ cổ phiếu. HNX có 153,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.995,26 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 189,49 triệu cổ phiếu tương ứng 2.627,22 tỷ đồng.

Ngoại trừ PDR tăng nhẹ 0,1% và VJC trụ được ở ngưỡng tham chiếu thì các mã còn lại trong rổ VN30 đều đỏ lửa. SSI thiệt hại nặng nề nhất, mất 6,5% còn 50.500 đồng; GVR giảm 5,6%; VRE giảm 5,2%; BID giảm 5%; BVH giảm 4,6%; STB giảm 4,4%; POW giảm 4,2%.

Nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán giảm sâu và giảm sàn la liệt. IVS giảm sàn 9,7%; VIX, VDS, CTS, BSI, AGR đều khoác màu xanh lơ trên bảng điện tử. SBS giảm 8,6%; SHS giảm 8,4%; BVS giảm 8,4%; MBS giảm 8,3%; APS giảm 8%; ORS giảm 6,8%; HCM giảm 6,7%...

Nỗi đau chứng khoán: Thành quả hàng tháng trời bị thổi bay trong ít phút - 2

Vốn rất nhạy với thị trường, cổ phiếu ngành chứng khoán "hứng" thiệt hại nặng nề (Ảnh chụp màn hình).

Dòng cổ phiếu ngân hàng mặc dù thời gian qua đã liên tục giảm nhưng đến phiên hôm nay vẫn không chống đỡ được. PGB giảm 5,9%; BID giảm 5%; VBB giảm 4,7%; SGB giảm 4,7%; MSB giảm 4,6%; BVB giảm 4,5%;…

Cổ phiếu bất động sản phân hóa, nhiều mã giảm sàn như BCM, HAR, NBB, PTL, VPH; LDG giảm 6,5%; DRH giảm 6%; HPX giảm 6%... nhưng ngược lại cũng vẫn có những mã rất khỏe như HDC tăng 5,7%; CCI tăng 4,9%; CRE tăng 4,2%; TLD tăng 3,5%; CKG tăng 2,6%.

Trong khi thị trường lao dốc thì một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình vẫn tăng giá rất tích cực: ROS, KPF, APG, LM8 tăng trần. Riêng ROS khớp lệnh khủng gần 55,6 triệu đơn vị, dư mua giá trần gần 12 triệu đơn vị.

Quan sát bảng giá điện tử có thể thấy, ở trong phiên này có rất nhiều mã đã "xanh" ngay đầu phiên theo VN-Index, tuy nhiên, đến cuối phiên thì giảm sàn. Những nhà đầu tư không kịp chốt lãi thì tiếc nuối, còn những người mua mới ở giá cao thì nơm nớp lo lắng biến động phiên giao dịch đầu tuần tới.

Theo một số môi giới chứng khoán thì cú "đạp" mạnh cuối phiên hôm nay phần nào bị ảnh hưởng bởi thông tin biến chủng mới Omicron đã lan đến một số quốc gia Đông Nam Á.

Thêm vào đó, tình hình số ca nhiễm mới trên cả nước tăng nhanh những ngày gần đây cũng khiến nhà đầu tư trở nên bất an. Và bởi đây là phiên giao dịch cuối tuần nên lượng tiền giải ngân sẽ thận trọng hơn do nhà đầu tư muốn nắm giữ tiền mặt chờ quan sát tình hình trong đầu tuần tới.

Tuy vậy, trên thị trường vẫn còn những nhà đầu tư coi các nhịp giảm là cơ hội gia tăng vì cho rằng, cơ hội để VN-Index trở lại mốc 1.500 điểm và chinh phục các đỉnh cao khác vẫn còn.